'Cá kho làng Vũ Đại' được ca ngợi vì phát triển thương mại điện tử

Thứ Sáu, 27/02/2015, 08:36
Bộ Công Thương mới đây vừa công bố Báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2014, cho thấy những tín hiệu rất tích cực trên thị trường này. Tăng trưởng doanh số ngày càng cao hơn, cũng như độ tin cậy của người tiêu dùng ngày càng tăng lên, TMĐT hứa hẹn sẽ là một thị trường béo bở cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN vừa và nhỏ tận dụng các lợi thế quảng bá online để đến với người tiêu dùng.

Tại báo cáo này, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) đã dẫn ví dụ một số DN nhỏ đã ứng dụng thành công TMĐT trong hoạt động kinh doanh, đưa được sản phẩm rộng rãi đến với người tiêu dùng trong nước, thậm chí cả xuất khẩu. Tiêu biểu có thể kể đến cơ sở Thanh Hằng (Kiên Giang)  và Cá kho Trần Luận tại Hà Nam.

Thống kê 2014 cho thấy mua sắm trực tuyến tăng trưởng ở tất cả các hình thức.

Với mục tiêu tập hợp, giới thiệu các đặc sản Kiên Giang đến với mọi người như tiêu sọ trắng Sáng Lợi, nước mắm Khải Hoàn, rượu sin Bảy Gáo, muối Hồng Tiêu, chả lụa Cận... sau 5 tháng hoạt động, website của Thanh Hằng đã có tới 56.000 lượt truy cập và nhận được nhiều đơn đặt hàng cả mua lẻ và mua sỉ ở Cần Thơ, Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước...

Doanh thu bình quân của cơ sở này qua TMĐT là khoảng 100 triệu đồng/tháng.

Cá kho Trần Luận cũng thành công trong việc đưa đặc sản nông thôn ra thị trường trong và ngoài nước, với món cá kho làng Vũ Đại, tăng trưởng mỗi năm 150%.

Riêng năm 2013 cơ sở này đã cung ứng trên 10.000 niêu cá ra thị trường, mỗi niêu có giá trị từ 400.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Thông qua hoạt động này, giá trị gia tăng của món cá đã được nâng lên rất nhiều (với 400.000 đồng/kg), tạo được việc làm cho một số lao động và mang được đặc sản của địa phương đến với rộng rãi người tiêu dùng hơn.

Trên đây là 2 trong số các ví dụ thành công mà các DN nhỏ, thậm chí các hộ sản xuất cá thể có thể ứng dụng để phát triển việc kinh doanh của mình, đặc biệt khi công nghệ thông tin và thiết bị di động đang bùng nổ ở Việt Nam hiện nay.

Kết quả khảo sát của Cục TMĐT và CNTT cho thấy 58% số người truy cập Internet đã từng mua hàng trực tuyến và con số này sẽ còn tăng lên. Các mặt hàng được ưa chuộng nhất là quần áo, giày dép, mỹ phẩm (60%), tiếp đến là đồ gia dụng (34%), sách và văn phòng phẩm (31%). Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 71% người tham gia đã mua hàng trực tuyến thông qua website bán hàng, tăng 10% so với năm 2013. Số người sử dụng mạng xã hội để mua sắm trực tuyến cũng tăng từ 45% lên 53%, trong khi số người mua qua các website mua hàng theo nhóm giảm mạnh từ 51% xuống còn 35%.

Việc mua sắm trực tuyến thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động cũng cho thấy sự tăng trưởng tích cực hơn 200%. Một tín hiệu tốt nữa là theo kết quả khảo sát năm 2014, 6% người mua hàng trực tuyến cho biết rất hài lòng với phương thức này, không phải tỷ lệ cao, nhưng có 41% người cho biết họ hài lòng, tăng mạnh so với tỷ lệ 29% của năm 2013 và chỉ có 5% cho biết họ không hài lòng.

Không chỉ có các website TMĐT ăn nên làm ra, các website cung cấp dịch vụ TMĐT cũng cho thấy tăng trưởng tốt. Tổng doanh thu nhóm sàn giao dịch TMĐT tham gia khảo sát năm 2014 đạt 1.662 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2013, trong đó tổng doanh thu của 10 website dẫn đầu thị trường chiếm 75%. Một số website có doanh thu hàng đầu được thống kê như lazada.vn với mức tăng trưởng doanh thu lên đến 200%; tiếp đó là sendo.vn...

Việc bùng nổ mạng xã hội hiện nay đang tạo nhiều cơ hội hơn cho những người kinh doanh nhỏ lẻ tiếp cận khách hàng của mình bằng các công cụ hiện đại, do đó cũng đem lại sự cân bằng về lợi thế kinh doanh cho nhiều người hơn. Đơn cử như Facebook, một phương tiện được cả DN và cá nhân sử dụng rất phổ biến, sẽ khiến việc quảng cáo hàng hoá qua Internet trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, chỉ với những thao tác đơn giản.

Được biết, tổng mức chi phí quảng cáo trực tuyến năm 2014 đã tăng gấp hơn 1,5 lần so với năm 2013, nhưng vẫn được đánh giá chưa tương xứng với thị trường Internet rộng lớn với hơn 33 triệu người sử dụng.

TMĐT đang là một xu thế phổ biến trên toàn cầu, càng những thị trường hiện đại càng phát triển. Bộ Thương mại Mỹ công bố doanh thu bán lẻ trực tuyến tính đến quý III 2014 đã đạt 224,3 tỷ USD (ước tính tổng doanh thu 2014 đạt 305,5 tỷ USD), tăng trưởng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Hàn Quốc, doanh thu của loại hình kinh doanh này cũng đạt khoảng 10,5 tỷ USD, Trung Quốc là khoảng 217,39 tỷ USD, Ấn Độ là 20,7 tỷ USD. Đáng chú ý, doanh số của TMĐT cho thấy tăng trưởng ở tất cả các thị trường, cho thấy đây là xu hướng mua sắm sẽ còn phát triển trong thời gian tới, đặc biệt ở một nước nhiều tiềm năng (số người sử dụng Internet lớn, doanh thu mua sắm trực tuyến còn rất nhỏ, mới đạt khoảng 2,97 tỷ USD) như Việt Nam. Vấn đề cần giải quyết vẫn là chất lượng sản phẩm, dịch vụ để tăng niềm tin cho người tiêu dùng.

Theo khảo sát, lý do lớn nhất khiến nhiều người vẫn còn e ngại với hình thức mua bán này, là do không kiểm định được chất lượng hàng hoá (81%) và không tin tưởng người bán hàng. Tuy vậy, 97% người được khảo sát cho biết vẫn sẽ tiếp tục sử dụng hình thức mua bán này, tăng hơn so với con số 88% của năm ngoái. Những con số trên cho thấy, mặc dù mua sắm trực tuyến ở Việt Nam còn chưa chuyên nghiệp và tồn tại rất nhiều bất cập, thì đây vẫn sẽ là xu thế được ưa chuộng trong những năm tiếp theo.

Nam Phương
.
.
.