Thương lái Trung Quốc làm rối loạn thị trường hồ tiêu
Khi được chúng tôi đề cập đến việc thương lái Trung Quốc tới đặt hàng, chị N.M.L. (chủ một doanh nghiệp nông sản ở xã Ea Hur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) tỏ ra khá dè dặt và không kém phần lo lắng. Theo chị L. cách đây khoảng 1 tháng, giá tiêu trên thị trường khoảng 180.000 đồng/kg nhưng giá tiêu trong vùng tăng vọt lên hơn 190.000 đồng/kg.
“Lúc đó, tôi nghĩ chắc năm nay mất mùa, sản lượng giảm sút, cung không đủ cầu nên giá lên. Tôi chấp nhận mua với giá cao để chờ cơ hội”, chị L. nói.
Ngoài việc tới đại lý đặt hàng giá cao hơn thị trường thì có nhiều người còn tới đặt hàng mua bụi tiêu (gồm các tạp chất như bụi đất, lá, núm tiêu...) với giá khoảng 15.000 đồng/kg và tiêu lép (loại 3) với giá gần bằng tiêu chắc (loại 1) nên nhiều đại lý cũng cố gắng thu mua về để bán.
Nhiều đại lý lỡ “ôm” hàng chục tấn tiêu bụi giờ không biết bán cho ai. |
“Không hiểu sao, khoảng 2 tuần trở lại đây không thấy bóng dáng các thương lái thu mua tiêu lép và bụi tiêu khiến doanh nghiệp hết sức lo lắng. Với giá như hiện nay, chỉ tính riêng 50 tấn tiêu lép tôi đã lỗ trên 500 triệu đồng, đó là chưa kể 20 tấn bụi tiêu đang nằm trong kho gần cả tháng nay”, chị L. lo lắng.
Theo ông Hồ Hữu Hải, chủ Doanh nghiệp TNDV Hải Dung (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), thời gian gần đây xuất hiện nhiều thương lái Trung Quốc thu mua hồ tiêu cao hơn giá thị trường từ 3.000-5.000 đồng/kg. Điều này khiến cho các doanh nghiệp trong vùng không thể mua được hàng, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký trước đó. Giá tiêu tăng vọt xảy ra trong ít ngày rồi lại xuống thấp và tiếp tục lặp lại, khiến thị trường rối loạn.
“Hiện doanh nghiệp chúng tôi còn tồn rất nhiều tiêu lép và bụi tiêu nhưng các đầu mối ngưng thu mua khiến doanh nghiệp đứng ngồi không yên”, ông Hải nói.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian gần đây, thị trường hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk rất “nóng”, có thời điểm, các thương lái, doanh nghiệp “đổ xô” tranh mua, tranh bán với giá cao hơn nhiều so với giá trị trường. Thiệt hại trước mắt là các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính không mua được hàng, ảnh hưởng đến uy tín, Sở nhận thấy rằng có tình trạng các thương lái Trung Quốc đã chơi chiêu bài mua bán xoay vòng để hưởng lợi khiến cho giá hồ tiêu rối loạn.
Ví dụ, cách đây khoảng 3 tuần, họ đã ôm 1 lô hàng khoảng 100 tấn với giá từ 175.000 đồng - 180.000 đồng/kg. Họ đến đại lý A đặt mua 1 lô hàng khoảng vài chục tấn với giá 185.000 đồng/kg và chỉ đặt cọc trước số tiền càng ít càng tốt với yêu cầu “gom nhanh, lấy ngay”.
Với chiêu thức tương tự, họ lại tới đại lý B đặt tiếp lô hàng khác với giá 190.000 đồng/kg cũng với chiêu đặt cọc càng ít càng tốt và “gom nhanh, lấy ngay” khiến cho giá cả hồ tiêu liên tục tăng vọt, khan hiếm nguồn hàng. Khi đã đẩy giá hồ tiêu lên một mức nhất định, các thương lái Trung Quốc bắt đầu tung ra thị trường lô hàng giá thấp đã có. Sau đó, họ không tới lấy hàng theo đặt hàng, chịu mất tiền cọc nhưng lại bán được 100 tấn hồ tiêu giá cao.
Về phía các đại lý, mặc dù “ngậm đắng nuốt cay” nhưng sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên không báo cho cơ quan chức năng khiến cho việc giám sát những người này gặp không ít khó khăn.
Cũng theo ông Dương, hơn ai hết, các doanh nghiệp thu mua là người nắm rõ nhất những biến động của thị trường giá cả nên Sở đang chuẩn bị tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp, đại lý thu mua nông sản để tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Sở sẽ đề nghị doanh nghiệp thông báo kịp thời cho ngành công thương khi có những biến động lớn về giá cả. Sau khi tiếp nhận, Sở sẽ cho lực lượng quản lý thị trường phối hợp với thuế, công an điều tra... xem họ đi mua thật hay mua giả, có thực chất thiếu hàng nên đôn giá cao lên hay gian lận thương mại, lừa đảo, phá hoại...
“Tình trạng này cũng đã từng xảy ra với các mặt hàng khác. Có những thời điểm cà phê chỉ 35.000 đồng nhưng họ tung ra thu mua với giá 45.000 đồng và hậu quả là chúng ta chịu thiệt hại với nhau, còn lợi nhuận thì họ cầm họ đi mất”, ông Dương cho biết thêm.
Tiêu giả tràn lan Ông Hồ Hữu Hải, chủ Doanh nghiệp TNDV Hải Dung cho biết: Trước thực trạng giá cả tăng cao trong thời gian qua, trên thị trường đã xuất hiện hàng loạt tiêu giả. Tiêu giả có kích thước nhỏ hơn tiêu thật, hạt tròn, đen bóng, nhẵn, khi ngâm trong nước thì mất màu đen, bên trong hạt có màu trắng. Với thủ đoạn trộn một lượng ít tiêu giả và tiêu thật nên các đại lý thu mua hầu như không biết mà khi nhập hàng cho các công ty lớn mới phát hiện. Để tránh tình trạng đó, nhiều công ty đã đưa mẫu tiêu giả xuống các đại lý để giúp họ cách phân biệt, nhận biết tiêu giả. Phòng An ninh Kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk đã có công văn gửi đến Công an các huyện, thị xã, thành phố để kịp thời phát hiện hành vi, thủ đoạn của một số thương lái Trung Quốc và báo cáo bằng văn bản cho Công an tỉnh; đồng thời, tuyên truyền vận động các doanh nghiệp kinh doanh nông sản đề cao cảnh giác trước thủ đoạn của các thương lái Trung Quốc. |