Thuế bảo vệ môi trường không phải nguyên nhân làm tăng giá xăng

Thứ Tư, 03/06/2015, 08:01
Thuế bảo vệ môi trường không phải nguyên nhân làm tăng giá xăng là khẳng định của Bộ Tài chính với báo chí chiều ngày 2/6. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng sau khi thuế suất thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đánh vào mặt hàng này được tăng lên 300% so với trước đó, và dư luận cho rằng, đây chính là hệ lụy của chính sách mới.

Kể từ ngày 1/5, mức thuế BVMT đối với một số mặt hàng xăng dầu đã chính thức điều chỉnh tăng gấp 3 lần so với trước đó. Cụ thể, mặt hàng xăng, nhiên liệu bay sẽ điều chỉnh tăng từ 1.000đ/lít lên 3.000đ/lít; mặt hàng dầu diezel tăng từ 500đ/lít lên 1.500đ/lít; mặt hàng dầu mazut tăng từ 300đ/lít lên 900đ/lít; mặt hàng dầu hoả giữ nguyên mức thuế là 300đ/lít. 

Khi thực hiện tăng thuế BVMT, Bộ Tài chính giải thích là nhằm ứng phó với tình hình giá mặt hàng dầu thô và các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trong xu hướng giảm và duy trì ở mức thấp; khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học sản xuất trong nước; đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân khi giá dầu trên thị trường thế giới giảm và thực hiện cam kết quốc tế về thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu. 

Việc tăng thuế BVMT sẽ giúp cho ngân sách nhà nước tăng thêm được khoảng 10.831 tỷ đồng trong năm 2015. Song song với đó, cơ quan này cũng giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, và sẽ giảm thu khoảng 13 nghìn tỷ đồng. Hai sắc thuế này có sự tương tác, bên tăng bên giảm, nên về cơ bản sẽ không làm ảnh hưởng đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước, doanh nghiệp và người dân vẫn được hưởng lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm. 

Thậm chí, để trấn an dư luận, Thứ trưởng Bộ Tài chínhVũ Thị Mai còn khẳng định: Mục đích của thuế BVMT là điều chỉnh sản xuất tiêu dùng theo hướng BVMT, chống gây ô nhiễm, khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm... Khi áp thuế BVMT, Bộ Tài chính sẽ tính toán linh hoạt sử dụng công cụ quỹ bình ổn, chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp để cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ trong nước.

Bộ Tài chính khẳng định giá xăng dầu tăng mạnh là do giá thế giới tăng.

Tuy nhiên, sau quyết định tăng thuế BVMT, giá xăng dầu đã liên tục tăng. Giải thích cho các lần tăng giá này, Bộ Tài chính cho rằng, việc điều hành là nhằm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và Nhà nước, đặc biệt để giảm bớt áp lực tăng giá bán xăng dầu trong nước góp phần kiềm chế lạm phát. Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã sử dụng đồng thời nhiều công cụ tài chính khác như giảm thuế nhập khẩu, tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá với mặt hàng dầu diezel, dầu mazut.

Tuy nhiên, phía dư luận lại cho rằng, giá xăng dầu liên tục tăng do tác động từ việc tăng thuế BVMT, và việc Bộ Tài chính cam kết không để thuế suất này ảnh hưởng đến giá bán lẻ là không thực hiện được.

Trước những ý kiến này, Bộ Tài chính đã phải một lần nữa lên tiếng khẳng định, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, và việc giá xăng dầu tăng là do giá thế giới tăng cao. Dẫn giải cụ thể hơn, cơ quan này cho biết, căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới, kể từ sau ngày 1/5/2015 (ngày Thuế BVMT theo mức mới có hiệu lực), Liên Bộ đã điều hành giá xăng dầu 2 lần và đã liên tục giảm thuế. 

Cơ quan này cũng tái khẳng định, theo tính toán, việc tăng thuế BVMT không làm tăng giá bán, do đã tính tương tác giữa việc tăng thuế BVMT và giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu. Số liệu Bộ Tài chính đưa ra là tổng mức tăng giá xăng trong nước là 30,8%, trong khi giá xăng dầu thế giới tăng 38,3% (tham chiếu giá dầu thô WTI). 

Thậm chí, để thuyết phục hơn, Bộ Tài chính cho rằng, trong trường hợp giá xăng dầu thế giới không có biến động lớn, với thuế BVMT theo mức mới và thuế nhập khẩu theo các phương án điều hành nói trên thì giá xăng dầu trong nước còn có thể giảm, đặc biệt đối với giá dầu diezel. Tuy nhiên, do giá xăng dầu thế giới tăng trở lại nên việc giảm thuế nhập khẩu đã làm giảm áp lực tăng giá đối với các mặt hàng này.

Song, từ phía chuyên gia, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá cách điều hành giá xăng dầu thời gian qua của liên bộ chưa nhịp nhàng, thiếu linh hoạt, và khâu dự báo của hai bộ này là có vấn đề. Từ tháng 6/2014, giá dầu thế giới tuột dốc, cơ quan quản lý dự báo giá dầu có xu hướng phục hồi chậm nên Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế BVMT và hy vọng sẽ không ảnh hưởng đến giá bán trong nước. Do đó, Bộ trưởng Tài chính mới đưa ra lời hứa trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng trên thực tế giá xăng lại tăng cao. 

“Rõ ràng khâu dự báo của các bộ, ngành còn hạn chế. Bên cạnh đó, trong cơ cấu giá xăng dầu của Việt Nam hiện nay, phần thuế phí quá cao, có thời điểm chiếm 40%. Điều hành theo thị trường là hợp lý nhưng cơ quan quản lý cần cân đối cơ cấu thuế phí để chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, cơ quan quản lý đang cố tạo phần lợi cho mình bằng việc tăng thu ngân sách để bảo đảm nhiệm vụ thu do thuế nhập khẩu giảm” - ông Long nói.

Giá xăng có thể giảm

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, khoảng 2 tuần gần đây, xăng dầu có xu hướng giảm giá. Cụ thể, giá cập nhật bình quân 15 ngày gần đây, tính đến ngày 31/5, đối với xăng A92 đã giảm vài chục cent, còn 81,37 USD/thùng. Dầu diezel từ mức giá bình quân 79 USD/thùng nay đã hạ xuống chỉ còn khoảng 76 USD/thùng. 

Nếu 3 ngày tới, giá cả xăng dầu thế giới vẫn có xu hướng giảm thì Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ có cơ hội xem xét điều chỉnh giảm giá trong nước, hoặc giảm mức sử dụng Quỹ bình ổn giá.

Lệ Thúy
.
.
.