Chuyện người quản lý:

Thực hiện hay không thực hiện

Thứ Bảy, 16/05/2015, 07:27
Hàng loạt câu hỏi về việc thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sau ngày 1/7 là thời điểm hai luật quan trọng trên bắt đầu có hiệu lực, đã được các doanh nghiệp và Hiệp hội đặt ra tại Hội thảo mới đây về Dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh. 

Vấn đề vẫn chỉ xoay quanh câu chuyện “khổ lắm nói mãi” nhưng lại đầy nóng bỏng tính thời sự quyết định tới sự sống còn của hàng nghìn doanh nghiệp (DN), đó là sẽ xử lý thế nào đối với hàng nghìn văn bản hướng dẫn cùng hơn nửa vạn điều kiện kinh doanh ban hành trái thẩm quyền theo tinh thần của Luật vẫn đang có hiệu lực?  

Phần lớn các doanh nghiệp đều tỏ ra rất lúng túng và bối rối trước việc có hay không phải tiếp tục thực thi theo các văn bản hướng dẫn và áp dụng các điều kiện kinh doanh này từ thời điểm 1/7 tới.

Trước hiện trạng này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) một lần nữa khẳng định việc đề nghị bãi bỏ các văn bản hướng dẫn và điều kiện kinh doanh trái với quy định của Luật Đầu tư sửa đổi khi luật chính thức có hiệu lực.

Bên cạnh đó, ông Cung cũng thẳng thắn cho rằng các doanh nghiệp cần phải thể hiện tinh thần kiên quyết và chủ động hưởng ứng thực hiện tinh thần luật sửa đổi bằng cách thực hiện đúng theo luật. Luật đầu tư mới quy định các bộ, UBND các cấp không được ban hành điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, hiện có 1.697 điều kiện kinh doanh được các thông tư ban hành, trong đó ngành có nhiều nhất là y tế: 373, nông nghiệp: 252, tài nguyên - môi trường: 200, giao thông vận tải: 175.

Một số quy định rất vô lý được dẫn ra như kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho, có nhà máy xay và phải tuân thủ theo thiết kế; kinh doanh vận chuyển hành khách bằng ôtô thì doanh nghiệp phải có tối thiểu 20 xe, còn các tỉnh ngoài Hà Nội, TP.HCM là 10 xe, đồng thời phải xin giấy phép vận chuyển hành khách mà bản thân chiếc xe thiết kế ra để vận chuyển hành khách rồi.

Theo ông Cung, từ ngày 1/7 với cách tiếp cận là những gì pháp luật không cấm, mọi người dân được tự do kinh doanh thì 1.697 điều kiện kinh doanh đương nhiên bị bãi bỏ, không còn hiệu lực. Đồng tình với ông Cung, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng, chỉ Chính phủ mới được quyền ban hành, chứ không để bộ ngành đưa ra điều kiện kinh doanh như lâu nay. Chính việc đưa ra điều kiện kinh doanh như đối với ngành kinh doanh vận tải là một trong những nguyên nhân đẩy giá cước vận tải cao lên, không tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng để thực hiện được điều này thì “còn hàng núi thách thức đang chờ đợi ở phía trước bởi không dễ tuyên vô hiệu hàng loạt văn bản thông tư đang hiện hữu khi tư duy ứng xử của cơ quan nhà nước vẫn chưa cùng chiều với tinh thần của luật. Thậm chí cho đến lúc này vẫn còn có bộ ngành đang chuẩn bị ban hành tiếp các văn bản kiểu này”, ông Huỳnh cho biết.

Ở cương vị là người thực thi, các DN và Hiệp hội đánh giá rất cao tinh thần cởi trói của Luật cũng như thái độ cương quyết mạnh mẽ của tổ công tác thi hành luật, song vẫn tỏ ra rất e ngại trước tư duy và cách hành xử áp đặt vốn đã ăn sâu trong các bộ ngành và cơ quan Nhà nước.

Lưu Hiệp
.
.
.