Thu phí phương tiện giao thông: Cần những bước đi thận trọng

Thứ Bảy, 17/03/2012, 12:03
Để đưa một xe ôtô vào hoạt động, phải đóng ít nhất 7 loại phí, như: trước bạ, đăng ký biển số, phí kinh doanh vận tải, phí cầu đường, phí bến bãi, phí đăng kiểm, nếu thêm phí bảo trì đường bộ, và có thể cả phí lưu hành phương tiện sẽ là 9 loại. Chưa kể phí vào thành phố giờ cao điểm...

Với việc Thủ tướng Chính phủ vừa ký thông qua việc ban hành Nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ, phương án thu phí trên đầu phương tiện đã được chọn. Tuy nhiên, mức phí cụ thể là bao nhiêu thì trong tháng 4 tới người dân mới có thể được biết chính xác.

Cùng đó, việc đề xuất thêm 3 loại phí mới, nâng tổng số phí người dân phải đóng lên đến cả chục loại, với mức 6-7 triệu đồng/năm của Bộ GTVT cũng đang làm xôn xao dư luận. Cách thu phí thế nào cho công bằng, thu bao nhiêu và hiệu quả của việc thu phí ra sao đang là những câu hỏi lớn người dân chờ cơ quan chức năng giải đáp với lý lẽ thuyết phục.

Kỳ 1: Người dân hoang mang vì “phí chồng phí”

Xe ôtô có thể phải đóng tới 11 loại phí

Đứng ngồi không yên nhất lúc này chính là những người kinh doanh vận tải. Trao đổi với Báo CAND ngày 16/3, ông Mạch Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Du lịch Havico tỏ ra lo lắng: “Tới đây không biết chúng tôi sẽ phải kinh doanh thế nào khi các loại phí cứ ngày một nhiều thêm”.

Tại thời điểm này, để đưa một xe ôtô vào hoạt động, công ty đã phải đóng ít nhất 7 loại phí, như: trước bạ, đăng ký biển số, phí kinh doanh vận tải, phí cầu đường, phí bến bãi, phí đăng kiểm. Nếu thêm phí bảo trì đường bộ, và có thể cả phí lưu hành phương tiện sẽ là 9 loại. Thậm chí nếu tính cả phí vào thành phố giờ cao điểm, phương tiện lưu hành tại TP lớn như Hà Nội sẽ phải chịu 10 loại phí.

Chưa kể đến trong giá xăng dầu hiện nay cũng vốn đã có 1.000 đồng tiền phí. Thực tế này cùng với việc phí trông giữ ôtô, xe máy tại các TP lớn đã tăng khiến cho tổng chi phí mà người dân phải bỏ ra để sử dụng phương tiện nâng lên một con số khá “đáng sợ".

Làm một phép tính đơn giản, kể từ đầu năm 2012, người mua mới một chiếc ôtô trị giá 500 triệu đồng đã phải đóng thêm 8% phí trước bạ (tăng từ 12% lên 20%) + 18 triệu tiền phí cấp biển (tăng từ 2 lên 20 triệu) + phí trông giữ xe. Như vậy, họ đã phải chịu thêm ít nhất 70 triệu đồng. Nếu cộng thêm 20 triệu đồng phí bảo trì đường bộ và khoản 8 triệu/năm tiền phí lưu thông trong nội đô giờ cao điểm (ước tính họ đi làm vào giờ cao điểm khoảng 265 ngày, trừ ngày nghỉ), vậy tổng số phí phải đóng thêm là 88 triệu đồng, gần bằng 1/5 giá trị chiếc xe, tương đương 7 triệu đồng/tháng, chưa kể các loại phí cũ.

Chủ phương tiện giao thông hoang mang vì phí.

Anh Nguyễn Nam Phương (Hoàng Ngân - Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cố gắng lắm mới mua được chiếc xe 7 chỗ cũ. Nếu nhiều phí thế này thì chắc phải bán xe”. Anh Phương cũng nêu ra một thực tế về cơ chế thu phí. “Giá xăng dầu liên tục tăng, nên gia đình chỉ dám lưu thông vào những dịp cuối tuần, chứ ngày thường xe gửi ở bãi trông giữ. Nếu tính thời gian lưu thông, so với xe taxi 4 chỗ chắc chắn xe tôi hoạt động trên đường ít hơn. Thế nhưng, nếu áp theo tiêu chuẩn về mức phí phải đóng trong dự thảo Quỹ bảo trì Bộ GTVT đưa ra trước đây, thì nhà tôi sẽ phải đóng mức phí cao hơn xe taxi. Như vậy rất vô lý. Mong liên bộ Giao thông, Tài chính cần tính toán lại, để đảm bảo công bằng cho người dân”.

Người dân đóng phí, giao thông sẽ cải thiện ra sao?

Tăng mức phí thu như một yếu tố để hạn chế phương tiện và tăng thu ngân sách là một cách được áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vấn đề là thu bao nhiêu cho vừa phải, chứ không phải “tận thu” để người dân phải “bỏ của chạy lấy người”. Giảm ùn tắc giao thông là một đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, thì việc tiết kiệm thời gian và thuận tiện cho người dân cũng là một động lực.

Không thể nói người dân bỏ phương tiện cá nhân để đi xe buýt, với những đặc tính dù có lạc quan thế nào cũng không thể phủ nhận là quá đông đúc và quá chậm chạp. Trong khi các loại hình giao thông công cộng hiện đại khác chúng ta chưa hề có.

“Anh sử dụng đường thì anh phải có trách nhiệm đóng phí cho Nhà nước, đó là điều tất yếu. Tuy nhiên, để tránh phí chồng phí, nhất là trong bối cảnh chúng ta cũng đang xây dựng Quỹ bảo trì đường bộ thì đòi hỏi cơ quan soạn thảo đề án phí lưu hành phương tiện phải đưa ra được các cơ sở khoa học tính phí.

Anh cũng phải điều tra, đưa ra các luận chứng để thuyết phục rằng, mức phí đó nếu được áp dụng thì sẽ giảm được bao nhiêu phương tiện tham gia giao thông trên một tuyến đường? Mức độ hư hại của đường sẽ giảm đi được bao nhiêu, lợi ích mà xã hội thu được là gì…? Còn nếu anh không làm rõ được việc này thì rất khó để người dân ủng hộ và chia sẻ” – TS Khuất Việt Hùng - Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải (Đại học GTVT) bày tỏ quan điểm.

Bộ GTVT đang đề xuất mức thu phí lưu hành phương tiện cá nhân dự kiến:

Đối với ôtô: Xe chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả xe vừa chở người, vừa chở hàng), loại có dung tích xi lanh từ 2.000cm3 trở xuống: 20 triệu đồng/năm; loại có dung tích xi lanh 2.000 - 3.000cm3: 30 triệu đồng/năm; loại có dung tích xi lanh trên 3.000cm3: 50 triệu đồng/năm.

Đối với xe môtô (cả 2 và 3 bánh) của các thành phố Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng: Loại có dung tích xi lanh dưới 175cm3: 500 nghìn đồng/năm; loại có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên: 1 triệu đồng/năm.

Đề xuất mức thu phí ôtô (miễn phí đối với xe công và xe buýt), đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm (sáng từ 6 – 8h30, chiều từ 16h - 19h hằng ngày, trừ thứ 7, chủ nhật và ngày lễ) là 30 nghìn đồng/lượt đối với xe ôtô chở người đến 7 chỗ ngồi và 50 nghìn đồng/lượt đối với các loại ôtô còn lại (xe tải, xe chở người lớn hơn 7 chỗ ngồi…).

Việc thu phí thực hiện tại khu vực nội đô thành phố, thu qua các trạm thu phí xe ôtô và chỉ thu chiều vào. Khu vực thu và mức thu cụ thể giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Ông Mạch Thanh Sơn: “Nếu thu phí bảo trì thì nên xóa phí cầu đường”

Quy định thì phải chấp hành, song tôi thấy việc thu phí Quỹ bảo trì qua đầu phương tiện là thiếu công bằng, vì như thế xe đi ít và xe đi nhiều đều nộp tiền như nhau. Nên tính phí thu qua giá bán xăng dầu.

Các đơn vị không tham gia đường bộ thì khi mua xăng dầu chỉ cần lấy hóa đơn về và hằng tháng được khấu trừ phần phí đó, họ sẽ không chịu thiệt thòi gì. Như vậy vừa thu ngay được tất cả các xe đang lưu thông và không tốn kém bất kỳ một bộ máy nào thực thi cả, vừa đảm bảo công bằng cho tất cả các phương tiện thuộc bất kỳ cơ quan, doanh ngiệp, cá nhân.

Mặt khác, nếu đã thu Quỹ bảo trì đường bộ, tức là số tiền này sẽ được đầu tư vào cải tạo đường, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, thì nên xóa bỏ phí cầu đường.

Vũ Hân - Thanh Huyền
.
.
.