Thu hút FDI cần đảm bảo mục tiêu chiến lược

Thứ Năm, 24/04/2014, 13:38
Theo các số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) có tỉ lệ đóng góp vào GDP có xu hướng tăng lên. Từ tỉ lệ đóng góp 6,3% của GDP trong giai đoạn 1991-1995 đã tăng lên mức trung bình 14,6% trong thời kì 2001-2005 và 19,3% GDP năm 2009. Đối với kim ngạch xuất khẩu, tỉ lệ đóng góp này còn có xu hướng tăng lên.

Năm 2013, Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu đạt gần 150 tỷ USD, trong đó khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp tới 2/3. Cá biệt có tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) có kim ngạch xuất khẩu tới 24 tỷ USD, tức là vào khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong năm 2013.  Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3/2014 đạt 24,75 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt gần 12,28 tỷ USD và nhập khẩu là hơn12,47 tỷ USD.

Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 3/2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt gần 65,99 tỷ USD; trong đó xuất khẩu là 33,5 tỷ USD, và nhập khẩu là gần 32,4 tỷ USD. Trong đó, đối với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu trong 3 tháng năm 2014 là gần 39,59 tỷ USD, tăng17,4% và chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước; trong đó, xuất khẩu đạt gần 20,74 tỷ USD, tăng 18,6% và nhập khẩu là 18,85 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.

Xu hướng này cũng còn tiếp diễn trong những tháng đầu năm 2014 và dự đoán sẽ là xu hướng kéo dài trong cả năm nay. Qua đó, ta có thể thấy nền kinh tế đang có “nguy cơ” phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI.

Ở góc độ nhà quản lý PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: Nền kinh tế phụ thuộc đáng kể vào khu vực đầu tư nước ngoài vì khu vực này được coi là khu vực tận dụng được nhiều nhất nguồn lực bên ngoài để đưa Việt Nam thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Và việc giảm thiểu tác động vượt trội của khu vực này chưa có giải pháp thích hợp. Tuy nhiên, có thể nói sự phụ thuộc quá lớn vào nhà đầu tư nước ngoài có thể là một trong những nguy cơ làm cho đất nước rơi vào trạng thái bẫy thu nhập trung bình vì sự thao túng đáng kể của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng điều chỉnh chính sách có lợi cho họ.

Trong khi đó, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển lo ngại: FDI có vai trò quan trọng nhất là chuyển giao công nghệ thì hiện chỉ có 5% FDI chuyển giao công nghệ cao, 15% là loại công nghệ trung bình, còn lại đến khoảng 70% công nghệ kém, lạc hậu, lao động phổ thông. Do đó giá trị gia tăng chỉ tạo ra được khoảng 20% còn giá trị nội địa chỉ khoảng 10%. Như vậy làm sao chúng ta có thể dựa vào FDI để vượt qua khó khăn. Và đây cũng là những cảnh báo được giới nghiên cứu trong và ngoài nước đề cập nhiều.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, TS Lưu Bích Hồ cho rằng cần phải xoay chuyển lại tình trạng này, phải hội nhập trên cơ sở dựa trên sức mạnh của chúng ta gắn với sức mạnh của hội nhập quốc tế từ nguồn vốn, con người cho đến thể chế. Cần chấn chỉnh, hoàn thiện việc thu hút FDI theo đúng mục tiêu chiến lược, tập trung mạnh vào chuyển giao công nghệ tiên tiến hiện đại, bảo vệ môi trường, đạt hiệu quả tổng thể cao, góp phần tích cực tăng tiềm lực và nội lực kinh tế đất nước - TS Lưu Bích Hồ kiến nghị

Trân Trân
.
.
.