Thủ đoạn buôn lậu của “vua” ôtô Mạc Viễn Tiều

Thứ Bảy, 16/04/2005, 07:24
33 “máy thủy” ghi trong vận đơn được thay bằng 33 máy ôtô đã qua sử dụng, loại hàng nằm trong danh mục cấm nhập khẩu nằm chình ình trong container nhập khẩu hàng.

17h30 ngày 4/4/2005, Cục CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Bộ Công an phối hợp với Đội kiểm soát Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, đã tiến hành kiểm tra lô hàng của Công ty Ngọc Sương Mai, thuộc tờ khai số 5710/NKD-KV3 để tại bãi trung tâm cảng VICT.

Cục Cảnh sát Kinh tế (CSKT) nhanh chóng lần ra chủ lô hàng nói trên là của Mạc Viễn Tiều, Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Quốc tế Tp. HCM có trụ sở đặt tại B1/24, quốc lộ 1, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Tp.HCM. Lô hàng này Tiều nhập ủy thác qua Công ty TNHH VT-TM-DV Ngọc Sương Mai ở 21 Trần Kế Xương, phường 3, quận Bình Thạnh, Tp. HCM. Và số thuế mà Tiều phải nộp cho toàn bộ lô hàng lậu này chỉ có 10 triệu đồng.

Đây không phải là lần đầu mà rất nhiều lần, Tiều đã nhập hàng lậu về trót lọt và tiêu thụ khắp cả nước. Ngay trong ngày 4/4 vừa qua, Cục CSKT đã đồng loạt khám xét khẩn cấp nhà ở và trụ sở công ty của Tiều.

Kiểm tra, thu giữ tài liệu tại Công ty của Mạc Viễn Tiêu.

Tại trụ sở Công ty Quốc tế của Tiều ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, lực lượng khám xét đã kiểm tra kho hàng nằm trên khu đất rộng 4.000m2 chứa cả trăm xe cơ giới, máy móc các loại. Qua kiểm tra sơ bộ, phát hiện 18 máy ôtô đã qua sử dụng nhãn hiệu Nhật, Hàn Quốc... để lẫn trong hàng chục máy thủy.

7 máy phát điện loại lớn, có cái to bằng cả một container, còn rất mới, trị giá cả tỉ đồng, nhưng không hiểu bằng con đường nào được vận chuyển trót lọt về kho của Tiều mà chẳng cái nào có tem nhập khẩu. Rất nhiều ôtô loại “đồng nát” còn nguyên chiếc và nhiều phụ tùng ôtô chất tại trụ sở công ty.

Điều đặc biệt là tổ khám xét còn phát hiện rất nhiều miếng kim loại được cắt ra từ lốc máy ôtô, trên có ghi số máy cùng những miếng nhãn mác của nhà sản xuất ôtô được đục rời và gói cẩn thận bằng giấy được cất giấu tại văn phòng công ty. 5 thùng tài liệu hồ sơ cùng máy vi tính cũng được thu giữ để phục vụ công tác điều tra.

Lật tẩy mánh buôn lậu

Mạc Viễn Tiều, 35 tuổi, người Việt gốc Hoa, khởi nghiệp là một người chạy cò phụ tùng xe cơ giới ở Bình Chánh - Chợ lớn, bất cứ gara ôtô nào cần loại phụ tùng gì thì Tiều đi mua giùm và ăn tiền cò. Nhà nước cho nhập xe ôtô và xe cơ giới đã qua sử dụng, Tiều tìm người mua, sau đó đến các công ty có chức năng nhập khẩu như Đất Việt, Tân Trường Sanh... “mua” về giao cho một số gara để ăn tiền chênh lệch.

Năm 2001, với ý đồ “ăn cả gốc lẫn ngọn”, Tiều thành lập Công ty TNHH TM&DV Quốc tế Tp. HCM và đứng ra làm giám đốc chuyên kinh doanh ôtô, xe cơ giới, máy công cụ, động cơ nổ và phụ tùng ôtô đủ loại.

Tiều ít khi trực tiếp đứng ra nhập khẩu máy móc mà chủ yếu cho đám cò đi móc nối với những công ty có chức năng nhập khẩu để nhập ủy thác các loại động cơ nổ. Tiều chủ động độn hàng cấm vào từ nước ngoài và bằng nhiều cách để đưa hàng lọt qua hàng rào kiểm soát.

Trong quá trình bán, Tiều ghi trên hóa đơn bán là “máy thủy” nhưng thực chất là hàng cấm nhập khẩu. Một khi bị phát hiện thì Tiều phủi tay và cho rằng, đối tác “nhầm” chứ tờ khai và hóa đơn bán hàng của Tiều toàn hàng trong danh mục được phép nhập.

Trong một vụ án buôn bán hàng cấm mà Công an tỉnh An Giang phát hiện khởi tố, đối tượng khai là đã mua 74 máy ôtô đã qua sử dụng của Mạc Viễn Tiều, nhưng trong hóa đơn thể hiện là máy thủy, khi làm việc với cán bộ điều tra thì Tiều chối bay chối biến. Vụ này Công an An Giang đang phối hợp với Cục CSKT để làm rõ hành vi buôn lậu của Tiều.

Thực tế những năm qua, các loại xe bãi rác của nước ngoài bị nhiều công ty thu gom, vì thế mặt hàng rác này trở nên khan hiếm. Tiều đi các nước Nhật, Đài Loan, Hồng Công, Hàn Quốc, Singapore... tìm ôtô hoặc động cơ nổ “bãi rác” thu gom, mua về Tp.HCM tiêu thụ.--PageBreak--

Từ kiểu mua tận gốc bán tận ngọn này đã đưa Tiều lên vị trí độc quyền “phân phối” hàng độc tại Tp. HCM và nhiều tỉnh trong cả nước, trở thành “vua” ôtô và máy cơ giới.

Lỗ hổng từ các cơ quan chức năng

Thủ đoạn buôn lậu trong vụ việc này cũng giống thủ đoạn của Công ty TNHH Hải Yên, trụ sở 194 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, Tp.HCM, khi nhập khẩu 114 động cơ nổ, trong đó dư ra so với tờ khai hải quan xuất trình tại thời điểm kiểm tra tới 64 máy dầm các loại dưới 30 mã lực.

Qua kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan công an được biết, Phạm Lê Quang, 36 tuổi, ngụ tại chung cư lô B, phòng 23, phường 2, quận Phú Nhuận, Tp.HCM là Phó giám đốc Công ty Hải Yên đã ủy thác cho Nguyễn Dương Hùng, Phó giám đốc Công ty Đông Ánh Dương nhập khẩu lô hàng trên từ Nhật Bản về cảng Cát Lái – Tp.HCM. Quang và Hùng tự làm hồ sơ nhập khẩu, câu kết với giám định viên, nhân viên hải quan kiểm hóa để nhập lậu số hàng trên vào Việt Nam.

Một nguyên nhân của tình trạng này, theo chúng tôi xuất phát từ quy định của pháp luật còn… lỗ hổng. Từ khi Bộ Tài chính ra Thông tư 91/2003/TT/BTC quy định “chủ hàng phải tổ chức dán tem tại nơi kiểm tra thực tế hàng hóa dưới sự giám sát của công chức hải quan” thì khâu này làm có nơi, có lúc còn lỏng lẻo, chính vì thế mới có chuyện hàng nhập khẩu về được dán tem trước khi kiểm hóa

Nguyễn Thanh Hải
.
.
.