'Thịt ngoại' đe dọa ngành chăn nuôi

Thứ Hai, 14/09/2015, 08:55
Viễn cảnh không xa là người tiêu dùng Việt Nam có thể thoải mái chọn miếng thịt bò có xuất xứ từ đồng cỏ xa xôi nước Australia hay thậm chí thịt gà từ Mỹ. Làm sao để ngành chăn nuôi Việt Nam không “chết yểu” khi nước ta hội nhập ngày càng sâu với nền kinh tế thế giới?

Chỉ riêng năm 2014, thị trường nội địa đã tiêu thụ khoảng 1,2 triệu con bò nhưng bò trong nước chỉ cung cấp khoảng 200.000 con; bò thẩm lậu qua biên giới Lào, Campuchia ước tính vài trăm ngàn con; bò Australia nhập khoảng 181.000 con, còn lại là bò đông lạnh. Số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho thấy, bò nhập đang tăng theo cấp số nhân. Số lượng bò nhập khẩu từ Australia năm 2014 gấp 2,7 năm 2013. 

Trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập về 210.000 con bò Australia, nhiều hơn cả năm 2014 là 29.000 con. Ngoài ra, Pháp cũng đang xúc tiến mạnh mẽ để có thể đưa thịt bò Pháp vào thị trường Việt Nam ngay sau khi Việt Nam gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Pháp từ ngày 1/5/2015. 

Có thể thấy, các nước đã nhìn thấy thị trường tiềm tàng tại Việt Nam và đang đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản nói chung và mặt hàng thịt nói riêng vào Việt Nam. Dù chịu thuế suất khá cao nhưng thịt ngoại đang dần chiếm lĩnh thị trường. 

Hơn nữa, theo dự báo, khi mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết trong thời gian tới, lượng thịt có xuất xứ ngoại sẽ ồ ạt sang Việt Nam bởi, lúc đó thuế suất mặt hàng này về 0%, thay vì 10 - 40% (tùy từng mặt hàng) như hiện nay. Đây là viễn cảnh tất yếu vì các nước trong TPP như Canada, Mỹ, Australia, New Zealand chính là những cường quốc chăn nuôi của thế giới.Một thực tế “đắng lòng” là giá thành sản xuất các mặt hàng thịt ở Việt Nam đắt gấp đôi các nước bạn. 

Có thể nhìn ra ngay rằng, TPP hay các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký với các khu vực, quốc gia đang khiến hàng triệu nông dân Việt Nam lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” khi sản phẩm của ngành chăn nuôi Việt Nam không cạnh tranh nổi ngay trên quê hương. Kéo theo đó có thể là hàng loạt doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam cũng sẽ bị phá sản. Đau xót nhưng dường như lỗi không phải của quá trình hội nhập. Lỗi phần nào do chính các doanh nghiệp chăn nuôi. 

Còn nhớ, khi làm việc với Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, đã lấy 227 mẫu nước tiểu tại các đàn lợn giết mổ của 51 lô, phát hiện 31 mẫu dương tính Salbutamol (chất tạo nạc) với hàm lượng rất cao, từ 80ppb-1.300ppb, trong khi đó, mức khuyến cáo ở ngưỡng an toàn cho sức khỏe con người là 2ppb. Các “ông lớn” trong ngành chăn nuôi như Công ty ANCO, Công ty CP cũng liên quan đến những “phi vụ lợn dính chất cấm”.

“Lối ra” của ngành chăn nuôi hiện nay, theo các chuyên gia chính là mối liên kết 4 nhà: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp trong đó đáng mừng là sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn vào ngành chăn nuôi. Đơn cử, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã nhập bò non, đã nuôi khoảng 12 - 18 tháng ở Australia về Việt Nam nuôi thêm 5 tháng nữa theo quy trình khép kín. Tuân thủ tuyệt đối chế độ ăn uống, giải trí, ngủ nghỉ... để trọng lượng, chất lượng, các chỉ số vệ sinh an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn của cả Australia và Việt Nam rồi mới xuất chuồng.

Trong cái nhìn dài hạn, Tập đoàn này đã nhập hàng nghìn con bò giống từ Australia, Mỹ để chuẩn bị phối giống tạo ra những lứa bò gốc Australia, Mỹ để tiếp tục sinh sản và chăn nuôi tại Việt Nam. Hay việc Vinamilk xây 8 trang trại quy mô lớn trong đó mới đây là Tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk tại Thanh Hóa được thiết kế bởi nhà thầu GEA Farm Technologies (Mỹ) với số vốn đầu tư lên đến 1.600 tỷ đồng…

Tăng chất lượng, giảm giá thành, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là điều kiện tiên quyết để ngành chăn nuôi hội nhập sâu với quốc tế dù ngay trên thị trường Việt Nam. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp người chăn nuôi phải áp dụng khoa học công nghệ, đầu tư số vớn lớn. Nhưng trên hết là quyết tâm của cả doanh nghiệp lẫn các nhà quản lý vốn đang “băn khoăn” trước thực trạng: Thịt ngoại lấn át thịt nội.

Diệp Linh
.
.
.