Nghịch lý thị trường lao động thời kinh tế suy giảm:

Thiếu lao động vẫn cắt giảm người

Thứ Tư, 08/04/2009, 10:13
Thị trường lao động (LĐ) cuối quý I và những ngày đầu quý II đang diễn ra một xu thế chung rất đáng quan tâm. Đó là bên cạnh số lượng LĐ bị mất việc do doanh nghiệp (DN) thực sự gặp khó khăn thì vẫn có khá nhiều DN vừa cho LĐ nghỉ việc hàng loạt vừa cho đăng tuyển LĐ với số lượng lớn. Các chuyên gia LĐ đã có những cảnh báo về hiện tượng bất thường này.
Công ty V.L.A. (DN may mặc có 100% vốn đầu tư nước ngoài của Đài Loan - đóng tại Phú Xuyên, Hà Nội) không còn xa lạ với các BTC của sàn giao dịch việc làm hay ngày hội việc làm trên địa bàn TP Hà Nội bởi sự có mặt thường xuyên của DN tại các phiên giao dịch việc làm nhằm tuyển dụng công nhân may, cơ khí và nhân viên văn phòng với số lượng lên đến vài chục người.

Theo các cán bộ tuyển dụng nhân sự của công ty này, do đặc thù LĐ ngành may thường xuyên "nhảy việc" nên mặc dù công ty luôn trả lương cao, có chế độ đãi ngộ ưu đãi nhằm giữ chân NLĐ nhưng vẫn không đủ sức níu họ. Trong khi, công ty luôn nhận được những đơn hàng xuất khẩu lớn.

Song theo chị Nguyễn Thị Thắm cùng một số đồng nghiệp - nguyên là công nhân của công ty này, trước và sau Tết chị cùng khoảng 30 công nhân vào cùng đợt cách đó 6 tháng đã được công ty cho nghỉ giãn việc luân phiên, với lý do "không nhận được đơn hàng mới từ đối tác nước ngoài do khủng hoảng kinh tế!?".

Một số doanh nghiệp vừa cắt giảm lao động vừa tuyển mới tại sàn giao dịch việc làm.

Đến tháng 2, các chị nhận được thông báo nằm trong danh sách cắt giảm LĐ của đơn vị do tình hình sản xuất gia công ngưng trệ. Vì thời gian làm việc tại công ty chưa lâu nên chị và những công nhân vào cùng đợt không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của DN hay chế độ của Nhà nước ngoài khoản lương mà DN còn nợ.

Tình trạng này, theo các chuyên gia tư vấn nhân lực không phải là cá biệt tại những DN cổ phần sử dụng nhiều LĐ phổ thông hay những DN có vốn đầu tư nước ngoài của Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia… hiện nay.

Đáng chú ý là trong số những doanh nghiệp cắt giảm LĐ, có những DN không quá khó khăn, thậm chí nhân sự ở một số bộ phận, một số khâu còn thiếu nhưng vẫn tiến hành cắt giảm LĐ hàng loạt.

Thậm chí, một DN khu vực phía Nam đã cắt giảm 100 công nhân trước Tết Nguyên đán với lý do thiếu việc. Nhưng ngay sau đó, số LĐ đang làm việc tại công ty bị yêu cầu làm thêm giờ ít nhất 1 tiếng/ca làm việc. Công ty còn tổ chức tuyển dụng LĐ trực tiếp với chế độ đãi ngộ vô cùng "hấp dẫn" tại phiên giao dịch việc làm do tỉnh tổ chức.

Các chuyên gia LĐ cho rằng, tình hình cắt giảm LĐ của các doanh nghiệp hiện nay khá phức tạp.

Bởi bên cạnh những DN thực sự gặp khó khăn về đơn hàng do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thì không loại trừ khả năng một số DN lợi dụng tình hình sản xuất khó khăn chung để cắt hợp đồng với công nhân cũ, sau đó lại tuyển người mới với chi phí trả lương chỉ bằng 70% lương của công nhân đã làm việc lâu năm chưa kể không phải chịu trách nhiệm về chế độ BHXH, BHYT hay trợ cấp thôi việc… do HĐLĐ ký kết đều chỉ có thời hạn từ 3 - 6 tháng.

Đồng thời, đây cũng chính là thời điểm các doanh nghiệp dễ thanh lọc tay nghề NLĐ nhất mà không vấp phải "ý kiến" nào của NLĐ cũng như cơ quan chức năng. Ngoài ra, đây chính là thời điểm dễ "câu kéo" lao động nhất của DN và NLĐ cũng dễ dàng "thỏa hiệp" trước các yêu cầu của họ.

Trước thực trạng bất bình thường này, NLĐ cần tỉnh táo trước những thông tin của những DN liên tục rao tuyển LĐ với chế độ lương cao hơn mặt bằng chung, nhưng điều kiện để được hưởng mức lương đó đều là sau thời gian thử việc, thường từ 1 năm trở lên.

Chính vì những chiêu thức tuyển dụng kiểu này mà không ít NLĐ trở thành nạn nhân của nhiều lần "thay máu" công nhân của DN. Sau thời gian làm việc từ 3 tháng đến 1 năm, NLĐ bị cho nghỉ với nhiều lý do khác nhau và dĩ nhiên mức lương mà DN đã hứa hẹn cũng "nghỉ" theo

Thu Uyên
.
.
.