Thị trường tôn Việt Nam, những bất cập trong quản lý

Thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm vì tôn nhập không đảm bảo chất lượng

Thứ Hai, 23/11/2015, 09:24
Mỗi năm dư thừa và xuất khẩu hàng trăm triệu tấn thép, cao gấp gần chục lần năng lực sản xuất của Việt Nam, thép Trung Quốc đang gây sức ép rất lớn lên sản xuất trong nước. Từ vài năm nay, lượng nhập khẩu đã tăng lên nhanh chóng.

Sang đến 2015, tình hình còn trở nên trầm trọng hơn. Tôn, thép Trung Quốc đang được bày bán tràn lan ở mọi nơi, giả danh tôn, thép Việt Nam cũng có, mà công khai là hàng Trung Quốc cũng có, với mức giá rẻ hơn hẳn. Điều đáng nói là dù gần đây, truyền thông đã lên tiếng khá nhiều về tình hình này, nhưng người tiêu dùng vẫn chưa có thông tin và hiểu biết để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Trên thị trường hiện nay, việc mua tôn Trung Quốc thật quá dễ. Ngay ven nội thành Hà Nội, chúng tôi có mặt tại cửa hàng thép M.H, nằm dọc quốc lộ 32. Dù khá khuất nẻo, nhưng đây là một xưởng tôn, thép lớn trong khu vực, cung cấp tôn không chỉ cho người dân mà còn cả cụm công nghiệp nhỏ gần đó. 

Khi được chúng tôi hỏi mua tôn về để lợp xưởng, chủ cơ sở này nhiệt tình giới thiệu tôn Việt – Nhật, loại 0,35mm, với mức giá 66.600 đồng/m². Riêng tôn Trung Quốc được bán với giá rẻ hơn nhiều, chỉ 45.000 đồng/m². Với loại mỏng hơn, giá chỉ 34.000 đồng/m². Kỳ thực, bằng mắt thường và với những người không có kinh nghiệm, rất khó để phát hiện đâu là tôn chất lượng, đâu là hàng Trung Quốc. 

Ngay giữa lòng Hà Nội, các chủ cửa hàng tỏ ra thận trọng hơn. Còn tại các tỉnh ngoài, thông tin được chia sẻ “cởi mở” hơn hẳn. Có mặt tại cửa hàng của Công ty Phong Phú (Khu Công nghiệp Sông Công, Thái Nguyên) – một cửa hàng ăn nên làm ra ở khu vực, nhờ gần ngay Nhà máy Samsung Thái Nguyên, kéo theo việc xây dựng, nhà xưởng mọc lên nhiều. Nhân viên cửa hàng giới thiệu cho chúng tôi các loại tôn đang được bày bán, trong đó tôn Trung Quốc “nhái” Việt Nam giá rẻ chiếm một lượng khá lớn. Thay vì nhãn hiệu, thông số kỹ thuật thể hiện xuất xứ của tôn, độ dày… tôn Trung Quốc chỉ được in chỏng lỏn một dòng chữ “tôn chất lượng” với màu sơn xấu hơn hẳn. 

Nhân viên Công ty Phong Phú đang cắt tấm tôn không đạt chất lượng cho khách hàng.

Nhân viên ở đây cũng cho biết, riêng tôn Trung Quốc không có bảo hành. Sau một hồi tham khảo, chúng tôi quyết định mua tôn Việt – Hàn, độ dày 0,35mm, được cửa hàng đảm bảo là hàng công ty, chất lượng, bảo hành hàng chục năm với mức giá 60.000 đồng/m². 

Thấy chúng tôi “cò kè” bớt một, thêm hai lâu quá, chủ hàng tặc lưỡi đồng ý cắt cho chúng tôi tôn Việt – Hàn với giá 55.000 đồng/m², vẫn ghi thông số kỹ thuật trên tấm tôn là 0,35 mm, nhưng nói thẳng là độ dày thật chỉ là 0,32 mm. 

Chúng tôi thắc mắc tại sao công ty “chuẩn, xịn” lại in sai thông tin, nhưng không được trả lời. Cửa hàng cũng từ chối cân thử, dù khách hàng yêu cầu, để xem chất lượng tôn. Không ngoài dự đoán, mẫu tôn này khi được thử nghiệm tại Quatest 1 (kết quả ngày 16/11) cho thấy độ dày thực chỉ được 0,301, tức là hụt hẳn 0,049 mm so với chỉ số in trên tấm tôn (khoảng 14%). 

Không chỉ thế, chiều dày lớp sơn cũng không đảm bảo. Thông thường, chiều dày lớp sơn sẽ là khoảng 15/5 đến 17/7 micro mét (tức là mặt trên 15 - 17 micro mét, mặt dưới tối thiểu 5 - 7 micro mét), nhưng kết quả kiểm nghiệm của Quatest cho thấy, tấm tôn chỉ đạt 10/3 micro mét, giảm 30% tiêu chuẩn về lớp sơn phủ mặt.

Để kiểm chứng chất lượng của các mẫu tôn này cẩn thận hơn nữa, chúng tôi cũng đã làm các thử nghiệm ăn mòn bởi hoá chất bao gồm axit (HCl 10%) và badơ (NaOH 10%). Sau khoảng 2h bị nhỏ axit, mẫu tôn xanh dương chúng tôi mua tại Phong Phú đã bị phồng lớp sơn, trong khi tôn chất lượng đảm bảo sẽ không có biến đổi trong vòng ít nhất 3h. Qua ngày hôm sau, khoảng sơn bị phồng đã có đường kính tới 6cm, ở giữa bị bong tróc, han gỉ. 

Tấm tôn xanh dương của Công ty Phong Phú bị bong bóc chỉ sau 2h nhỏ axit HCL.

Chỉ với một tấm tôn này, người tiêu dùng đã bị móc túi nhiều lần: vừa gian lận về độ dày, lượng sơn phủ, chất lượng kém, giảm tuổi thọ công trình. Điều đáng tiếc là không có nhiều người tiêu dùng biết được những thông tin cần kiểm tra khi mua sản phẩm.

Qua trao đổi với chúng tôi, đại diện thương hiệu tôn Việt – Hàn POSHACO cho biết: Với các kết quả như trên, đây khẳng định là tấm tôn nhái thương hiệu Việt – Hàn. Gần đây, thương hiệu này đã rất nhiều lần trở thành nạn nhân của tôn giả. Thậm chí, lãnh đạo công ty này đã phải có đơn cầu cứu gửi Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc bởi phát hiện ra 10.000m tôn in giả nhãn hiệu của mình ở mức độ tinh vi đến nỗi lãnh đạo nhà máy nhìn bằng mắt thường cũng không thể phân biệt được, phải nhờ đến kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng. 

Được biết, để bảo vệ thương hiệu của mình, bắt đầu từ ngày 20/11/2015, trên sản phẩm tôn mầu Poshaco in logo thương hiệu mầu đỏ in chìm dưới sơn để người tiêu dùng dễ nhận biết  hàng chính hãng của công ty. 

Dù chất lượng kém hơn hẳn các loại tôn thép Việt Nam có thương hiệu trên thị trường, nhưng do nhái nhãn hiệu, do giá rẻ (thậm chí giá bán ra còn rẻ hơn giá thành sản xuất của các nhãn hiệu Việt), hiện các loại tôn Trung Quốc đang dần đe dọa chiếm thị phần của tôn Việt Nam. 

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong năm 2013, tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa là 1,745,950 tấn, trong đó tôn mạ nhập khẩu chiếm 37% và sản xuất trong nước chiếm 63%. 

Sang đến 2014, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của tôn mạ không thay đổi nhiều (1,755,159 tấn), nhưng thị phần trong nước đã tụt xuống chỉ còn 57%, còn lại là tôn mạ nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. 

Trong 8 tháng đầu năm nay, tình hình diễn biến tệ hơn, khi thị phần của DN trong nước chỉ còn  43%, giảm đến 20% so với 2013. Ước tính tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của năm 2015 là 2,597,633 tấn, thì với thị phần suy giảm tương đương 519,527 tấn, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ mất đi 9,351 tỷ đồng, nhiều DN khó có khả năng đứng vững.

Phương Nam
.
.
.