Thị trường xuất khẩu: Cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá
Thực tế, những năm gần đây, song song với thương mại toàn cầu ngày càng tự do hoá thì các biện pháp chống bán phá giá (CBPG) cũng được áp dụng ngày càng tăng. Biện pháp này đã và đang bị lạm dụng như là các hàng rào phi thuế quan để bảo hộ các ngành sản xuất trong nước.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, với lợi thế là giá nhân công rẻ, điều kiện tự nhiên ưu đãi, người lao động chăm chỉ, cần cù… đã tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế và đẩy những ngành công nghiệp nội địa của nước nhập khẩu rơi vào thế bất lợi khiến họ phải sử dụng biện pháp CBPG để đối phó.
Trong khi đó, lĩnh vực CBPG, chống trợ cấp và tự vệ là những lĩnh vực còn rất mới đối với doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì thế, trong thời gian qua, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã gặp không ít khó khăn khi phải đối mặt với các vụ kiện CBPG, chống trợ cấp tự vệ của nước ngoài. Đặc biệt là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn.
Theo ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, tính từ ngày 1/4/1994 đến 30/6/2010, Việt Nam phải đối mặt với 34 vụ kiện CBPG tại 11 thị trường. Trong đó, nhiều nhất là thị trường EU với 10 vụ kiện. Thổ Nhĩ Kỳ (5 vụ), Ấn Độ, Canada (4 vụ), Peru, Argentina (2 vụ)…
Sản phẩm giày da là một trong những mặt hàng bị kiện nhiều ở thị trường xuất khẩu. |
Ngành hàng bị kiện nhiều nhất là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (8 vụ), giày dép các loại (5 vụ), kim loại (4 vụ), nông sản, đồ gia dụng (3 vụ), thủy hải sản, cao su (2 vụ)… Có 21/34 vụ kiện nhằm vào top 15 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và 27/34 vụ nhằm vào top 20 thị trường xuất khẩu chủ lực. Số vụ kiện ngày càng tăng và giữ ở mức cao (trung bình 4 vụ kiện/năm) với những mặt hàng bị kiện chủ yếu có sử dụng nhiều lao động thủ công (như: tôm, da giày…).
Giai đoạn 1, hệ thống website thử nghiệm cho 5 ngành hàng gồm: Dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, dây cáp điện và 2 thị trường là Hoa Kỳ, EU; giai đoạn 2, sẽ mở rộng hệ thống cho 10 ngành hàng và 5 thị trường, đồng thời phát hành bản tin cảnh báo sớm; giai đoạn 3, tiếp tục mở rộng hệ thống cho 20 ngành hàng và 10 thị trường, phân tích theo yêu cầu doanh nghiệp và tìm kiếm thông tin xuất nhập khẩu. |
Thiệt hại do các vụ kiện CBPG đã gây ra những tác động lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Doanh nghiệp tốn chi phí theo đuổi vụ kiện, thuê luật sư. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu cũng bị giảm mạnh. Điển hình như thiệt hại của một số công ty da giày sau vụ kiện giày mũ da của EU: Công ty An Giang, sau vụ kiện kim ngạch xuất khẩu sụt giảm 84,3% (giảm lợi nhuận 66%), Công ty Việt Phát sụt giảm kim ngạch xuất khẩu 48,3% (sụt giảm lợi nhuận 40%), Công ty Vinh Thông sụt giảm kim ngạch xuất khẩu 47,8%, Công ty Liên Phát sụt giảm lợi nhuận 50%...
Ngoài ra, còn thiệt hại về lao động (mất việc làm, cắt giảm lương), thiệt hại về thời gian (thời hạn áp thuế 5 năm cộng gia hạn áp thuế)… khiến các doanh nghiệp bị kiện CBPG hầu như không có cơ hội quay lại thị trường…
Vậy làm thế nào để giảm thiệt hại do các vụ kiện CBPG gây ra? Cũng theo ông Bạch Văn Mừng, đó là xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện CBPG. Mục tiêu để cảnh báo cho doanh nghiệp xuất khẩu nguy cơ bị kiện CBPG tại những thị trường trọng điểm. Hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp trong quá trình xảy ra vụ kiện nhằm giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như cung cấp thông tin để phục vụ quá trình rà soát. Thông tin về quy định pháp lý của thị trường xuất khẩu chủ lực… Theo kế hoạch triển khai, hệ thống cảnh báo này sẽ có các giai đoạn.
Liên quan đến hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện CBPG được giới thiệu tại hội thảo, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm đến hệ thống này. Một số doanh nghiệp cũng nêu ý kiến, trang web nên cảnh báo theo ngành nghề cụ thể để doanh nghiệp có thể nắm bắt và theo dõi rõ hơn về các vấn đề CBPG…