Thị trường chứng khoán sau khi Việt Nam vào WTO

Thứ Năm, 23/11/2006, 08:32

Làm sao để vừa hỗ trợ doanh nghiệp về mặt vốn lại vừa thúc đẩy thị trường chứng khoán "tăng tốc", góp phần "nuôi" được nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước từ hoạt động chứng khoán trong những năm tới vẫn là một bài toán khó của các nhà hoạch định chính sách.

Trong mấy ngày gần đây, số lượng nhà đầu tư tập trung tại các sàn giao dịch đông hơn so với trước, khối lượng cổ phiếu mua bán thành công cũng cao hơn. Trong phiên giao dịch ngày 21/11 đã có gần 7,6 triệu cổ phiếu, chứng chỉ ký quỹ, trái phiếu với tổng giá trị 890,45 tỷ đồng thực hiện giao dịch thành công.

Đặc biệt, nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp uy tín đã đồng loạt tăng giá, vượt qua mức 100 ngàn đồng/cổ phiếu như SJS, GMD, SAM, BMP, KDC, REE, AGF... và chỉ số VN INDEX tiếp tục tăng 10,47 điểm (1,82%) trong phiên giao dịch mới nhất, duy trì mức chỉ số vượt "ngưỡng" 500 điểm trong nhiều ngày liền.

Có thể nói những sự kiện quan trọng như Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO; Hội nghị các nền kinh tế APEC 14 với vai trò là nước chủ nhà đã kết thúc tốt đẹp; Tổng thống Mỹ đến thăm và gõ chiêng khai mạc phiên giao dịch tại trung tâm giao dịch chứng khoán TP HCM sáng 20/11... đã khiến thị trường giao dịch chứng khoán ở TP HCM nói riêng và cả nước nói chung thêm sôi động.

Một thị trường nhiều tiềm năng

Luật Doanh nghiệp, lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cùng với những làn sóng đầu tư mới từ các quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... và những cam kết mở cửa thị trường tài chính của chúng ta với WTO (cho phép các công ty chứng khoán nước ngoài thành lập liên doanh, góp vốn cổ phần với tỷ lệ cổ phần được nắm giữ đến 49%, 5 năm sau đó nhà đầu tư nước ngoài được thành lập công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài) sẽ hứa hẹn sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam, tập trung tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán của nước ta có hiệu lực vào năm 2007 sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các hoạt động thuộc lĩnh vực này.

Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM sẽ chuyển đổi mô hình thành Sở Giao dịch chứng khoán vào đầu năm 2007 cũng góp phần tạo đà phát triển nhanh.

Tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn TP HCM đã lên tới trên 100 ngàn. Hiện nay tuy mới chỉ có 56 doanh nghiệp niêm yết trên các sàn giao dịch của 18 công ty thành viên nhưng đã thu hút được 79.066 nhà đầu tư là các tổ chức cá nhân trong nước và 80.712 nhà đầu tư nước ngoài.

Những việc cần làm

Mặc dù còn mới mẻ, nhưng hoạt động chứng khoán của chúng ta đã đạt được những bước phát triển khá nhanh trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện còn quá ít. Tỷ lệ nhà đầu tư cũng vậy, ở các nước phát triển họ đã đạt mức 5-10% dân số trong khi chúng ta mới chỉ chiếm 0,1%.

Để duy trì được sự phát triển nhanh, bền vững và lành mạnh thị trường chứng khoán trước sức ép tiềm lực tài chính của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong những năm tới, chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn dưới luật, đưa ra áp dụng đồng bộ ngay sau khi luật chứng khoán có hiệu lực pháp luật. Các công ty chứng khoán thành viên cần sớm nghiên cứu áp dụng các phương thức giao dịch hiện đại như giao dịch liên tục và không sàn, hoàn thiện các chuẩn mực quản lý kinh doanh, trang bị cơ sở hạ tầng.

Một vấn đề không thể không tính đến đó là mức tính thuế trong dự thảo thuế thu nhập cá nhân mới được công bố. Với một thị trường chứng khoán còn nhỏ bé, mới manh nha như của chúng ta nếu tính thuế thu nhập cá nhân đến 2 lần theo luật này thì sẽ không khuyến khích và thu hút được các nhà đầu tư

Đức Thắng
.
.
.