Thị trường chứng khoán cần tiếp tục "giữ chân" vốn ngoại

Thứ Hai, 19/07/2010, 11:30
Kinh tế thế giới khó khăn, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu và trong nước sụt giảm khiến hàng triệu đô la của các quỹ đầu tư cũng bốc hơi theo. Xót xa cho túi tiền đang cứ vợi dần , nhiều ông chủ trong các quỹ có mặt từ rất sớm tại Việt Nam đã "rập ròm" chuyện thoái vốn. Áp lực này đang ít nhiều gây sức ép lên thị trường và các cơ quan quản lý. Làm gì để giữ chân vốn ngoại vẫn đang là bài toán cần tìm lời giải

Có một thực tế trên TTCK Việt Nam từ đầu năm nay, đó là khối nhà đầu tư (NĐT) ngoại nhìn chung mua ròng là chủ yếu. Việc mua bán chứng khoán của khối ngoại, nếu nhìn nhận theo quan điểm của các NĐT ngắn hạn (lướt sóng) thì không hiệu quả, bởi có thể thấy rất nhiều lần họ mua giá cao và sau đó một thời gian lại bán giá thấp, nhưng hành động này được giới chuyên môn lưu ý cho thấy các NĐT nước ngoài vẫn đang nhìn nền kinh tế Việt Nam tích cực trong tầm nhìn dài hạn.

Tuy nhiên, hiện có những đồn đoán về việc quỹ VEIL (Vietnam Enterprise Investments Limited) do Dragon Capital quản lý sẽ thoái vốn khỏi Việt Nam, khiến nhiều người lo ngại. Về quan điểm này, ông Phan Minh Tuấn, đại diện Dragon Capital, một trong những quỹ đầu tư đầu tiên có mặt trên TTCK Việt Nam cho rằng: "Với những gì chúng tôi đã trao đổi với các nhà đầu tư trong hai quỹ (VEIL và VGF), thì tôi có thể tin tưởng chắc chắn rằng các quỹ đó sẽ còn ở lại Việt Nam lâu dài hơn".

Ông Tuấn còn cho biết: Bắt đầu từ năm 1995,  Dragon Capital đã đến Việt Nam. "Ngay thời điểm đó, chúng tôi luôn tin tưởng nếu kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, thì thị trường tài chính và chứng khoán có điều kiện để phát triển. Cho đến nay, chúng tôi đã đạt được những kết quả đáng kể: từ 16,5 triệu USD quỹ những ngày đầu, nay chúng tôi đã quản lý hơn 1,4 tỷ USD" - ông Tuấn cho biết.

Khẳng định tầm quan trọng của vốn ngoại, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết: nếu như những năm đầu tiên của TTCK, danh mục đầu tư nước ngoài rất hạn chế, thì cho đến nay rất phong phú và đa dạng. Dòng vốn FII (đầu tư ngắn hạn qua TTCK) năm 2007 đã từng có lúc lên tới gần 12 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều khó khăn, khó tránh khỏi sự ra đi của một số dòng vốn.

Theo thống kê dòng vốn FII đang ở lại Việt Nam vào khoảng 7 tỷ USD. Số liệu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán cho biết: Tính đến ngày 30/6, tổng số mã giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài là 1.321 tổ chức, 12.952 cá nhân. Tổng số tiền các quỹ nước ngoài đã đổ vào nước ta tính theo NAV (tổng giá trị tài sản ròng) hiện nay khoảng 4,3 tỷ USD.

Làm gì để giữ chân và hút thêm vốn ngoại, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch UBCKNN khi được hỏi về điều này nhấn mạnh: ngoài việc tạo ra các hàng hóa tốt (cổ phiếu của DN làm ăn hiệu quả, quản trị tốt…), cần xem xét các nhân tố đang cản trở sự tham gia của các NĐT ngoại, như khống chế room 49%, các hạn mức về biên độ giao dịch tại 2 sàn giao dịch chứng khoán (5% và 7%)… cần có chính sách nhằm khuyến khích các quỹ đầu tư dài hạn.

Ông Vũ Bằng cũng cho rằng, điều cần làm lúc này là phải xử lý nhiều vấn đề: ảnh hưởng khủng hoảng, nhập siêu, chính sách tiền tệ, lạm phát… Nhiều khó khăn trong thời gian qua và Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp, "bắt đúng bệnh" để xử lý.. "Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng thêm quỹ mở, quỹ bất động sản…; dự phòng các giải pháp rủi ro. Làm được những điều này, vốn FII sẽ tiếp tục được thúc đẩy" - ông Bằng khẳng định

Lệ Thúy
.
.
.