Tp.HCM:

Thêm một phiên đấu giá tài sản nhà nước bị phản đối

Thứ Sáu, 28/10/2005, 07:37

Ngày 26/10, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Tp.HCM đưa lên sàn giao dịch nhà số 163 đường Trần Hưng Đạo, phường 10, quận 5, Tp.HCM, giá khởi điểm là 18,83 tỉ đồng. Điều khiến nhiều người quan tâm là kết quả lạ lùng của phiên giao dịch này.

Nhà xưởng tại địa chỉ 163 đường Trần Hưng Đạo, phường 10, quận 5, Tp.HCM, do Công ty Bao bì Tp.HCM (thuộc Sở Công nghiệp) quản lý sử dụng. Phiên đấu giá diễn ra vào lúc 8h ngày 26/10, với sự tham gia của 14 khách hàng.

Phiên giao dịch với những "biến tấu" đầy bất ngờ

Phiên đấu giá này do ông Vũ Kim Hiệp - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản điều hành, bà Nguyễn Tuyết Lê - Phó Giám đốc Trung tâm làm giám sát và bà Nguyễn Thị Huyên làm thư ký. Không khí nóng dần qua mỗi lần phát giá, theo số thứ tự trong danh sách được niêm yết và công bố trước khi đấu giá. Khách hàng có số 1 là bà Võ Thị Phỉ  đưa ra giá khởi điểm là: 18,84 tỉ đồng; số 2: 18,92 tỉ đồng; số 3: 18,94 tỉ đồng; số 4: 18,96 tỉ đồng; số 5: 18,98 tỉ đồng; người  thứ 6 là ông Hoàng Minh Triển ra giá 19 tỉ đồng. Điều bất ngờ đầu tiên là đại diện Công ty TNHH GAAP (để trống danh sách) có số thứ tự đăng ký hàng thứ 7, ra giá cao đến chóng mặt 32,16 tỉ đồng, lúc này mọi người mới biết "danh" vị đại diện tên Vũ Đoàn Thanh Khuê.

Với mức "bỏ giá khổng lồ" này, đương nhiên Công ty TNHH GAAP trúng thầu, vì giá mua thực tế đã cao hơn giá trị thực của ngôi nhà quá nhiều khiến tất cả những người khác không còn ý định "đấu" nữa. Nhưng chỉ trong tích tắc sau đó, vị đại diện cho Công ty TNHH GAAP vừa hô giá "trên trời" kia nhanh chóng đổi ý không mua, chấp nhận mất số tiền cọc tham gia đấu giá là 190 triệu đồng theo quy định. Và, điều bất ngờ khác là phiên đấu giá bị tuyên bố kết thúc.

Theo luật đấu giá hiện hành, nếu người ra giá cao nhất bỏ cuộc thì người ra giá cao kế tiếp sẽ được mua. Như vậy, đương nhiên vị khách số 6 tên Hoàng Minh Triển đã "bất ngờ" trúng đấu giá mua căn nhà với giá 19 tỉ đồng. Ông Hoàng Minh Triển vội vàng nộp 1,7 tỉ đồng cọc rồi ra về ngay để tránh bị chỉ trích. Kết quả, phiên đấu giá diễn biến giống như một kịch bản đã được sắp xếp trước.

Bức xúc trước diễn biến này, 12/14 người tham gia đấu giá căn nhà 163 Trần Hưng Đạo, phường 10, quận 5 đều đồng loạt phản đối kết quả đấu giá, vì cho rằng cuộc đấu giá này có nhiều dấu hiệu bất thường và làm thiệt hại cho Nhà nước, bởi lẽ giá trị thực của nhà xưởng nêu trên trị giá hơn 10 tỷ đồng. Qua đó cho thấy: Quy chế bán đấu giá hiện hành rất không ổn.

Những người dự đấu giá nói gì?

Trước diễn biến bất thường của phiên đấu giá này, 12/14  khách hàng đăng ký tham gia phiên đấu giá đều không chịu về, kiên quyết ngồi ở hội trường, xin gặp Ban Giám đốc Trung tâm để phản ánh. Nhưng đề nghị này bị Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản khước từ... Những người tham gia phiên đấu giá quá bức xúc liền điện báo và mời các báo, đài đến chứng kiến việc kỳ lạ của phiên đấu giá. Khi các phóng viên báo, đài có mặt, ông Nguyễn Hoàng Huy, Giám đốc Trung tâm, mới đứng ra ghi nhận ý kiến và trả lời bức xúc của khách hàng.

Khách hàng Trần Trọng Hòa đề nghị: "Nếu trung tâm quyết định bán căn nhà trên cho tôi 23 tỉ thì tôi mua ngay". Khách hàng Nguyễn Ngọc Châu 239/67/100 Trần Văn Đang, phường 11, quận 3 cũng cho biết sẵn sàng mua với giá 23 tỉ đồng! Tại đây, chị Võ Thị Phỉ, 43 tuổi, ngụ ở 69 Thành Thái, phường 14, quận 10 nói: "Tôi cho rằng cuộc đấu giá này không công bằng. Trung tâm đã làm thiệt hại nhiều tỉ đồng của Nhà nước. Nếu Ban tổ chức đấu giá đồng ý, nội trong hôm nay tôi sẽ giao đủ 24 tỉ đồng để mua căn nhà trên".  

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Trọng Hòa, Giám đốc Công ty Hartexco, là người đứng thứ 14 trong danh sách đấu giá được niêm yết nhận xét: "Đây là phiên đấu giá có dấu hiệu bất thường, nói cách khác là có sự sắp xếp thỏa thuận ngầm từ trước. Việc đấu giá như ngày hôm nay, chỉ một nhà xưởng thì Nhà nước đã mất 4-5 tỉ đồng. Chúng tôi đề nghị các cơ quan thực thi pháp luật vào cuộc và điều tra lại tất cả các phiên đấu giá từ trước đến nay diễn ra tại trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Tp.HCM.

Ông Hòa cũng cho biết thêm: Mở phiên đấu giá như hiện nay là chưa công bằng. Không thể buộc người đi đấu giá phải chấp nhận thứ tự sắp xếp của Ban tổ chức, mà mọi người đăng ký là có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Tại phiên đấu giá phải bốc thăm để chọn thứ tự, còn danh sách chỉ là niêm yết để biết số người tham dự. Như việc bán nhà hôm nay, người thứ 7 kêu giá quá cao, ai theo bị lỗ vốn ngay, kêu rồi không mua thì đương nhiên người cao giá kế cận được hưởng. Thực tế Công ty Hartexco đến dự đấu giá, cũng khảo sát thị trường nên dự trù bỏ giá 23 tỉ, để sử dụng hay bán đều có lãi.

Với cách làm bất thường tại phiên đấu giá ngày 26/10, Nhà nước mất 4-5 tỉ đồng là điều không thể chấp nhận được. Một điều quan tâm hơn là ở các phiên đấu giá hiện nay thường gặp những gương mặt quen thuộc tham gia đấu giá đều đều, mà chưa phiên nào mua được hàng. Không loại trừ đây là "vùng đệm" cho các tay trùm móc ngoặc chen vào để hét giá cao giúp cho các "đại gia" ôm gọn những lô hàng béo bở.

Trước sự phản ứng gay gắt của 12/14 người tham gia đấu giá, ông Nguyễn Hoàng Huy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá, cho biết: "Phiên đấu giá hôm nay được công nhận hay không công nhận thì tôi chưa biết mà đang chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Vụ việc này đang được báo cáo cho Sở Tư pháp. Vụ việc đã vượt khỏi tầm kiểm soát của Sở Tư pháp nên đang xin ý kiến của Bộ Tư pháp"

Nhóm PVTSCT
.
.
.