Thêm dấu hiệu bất thường trong vụ các doanh nghiệp thu gom sổ đỏ đất rừng
LTS: Báo CAND đã phản ánh về thực trạng ở tỉnh Hòa Bình đã có hàng nghìn sổ đỏ mất tích. Nhiều hộ nông dân đang lo lắng, "sống dở chết dở" vì không rõ số phận cuốn sổ đỏ - mảnh đất của mình như thế nào? Báo CAND xin thông tin tiếp thực trạng như trên ở tỉnh Đắk Lắk, một tỉnh cao nguyên có đông bà con dân tộc thiểu số cùng cảnh ngộ nguy cơ mất nhà đất vì bị gom sổ đỏ.
Vào khoảng cuối năm 2008, đầu năm 2009, có 3 doanh nghiệp là Công ty Quỹ phát triển bò sữa, ở 5/815 khu 5, đường Lê Hồng Phong, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; Công ty cổ phần Đại Thành, ở khối 2, thôn 5, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông và Công ty TNHH Trùng Dương, ở xóm 1, xã Hoà Đồng, huyện Hoằng Hoá - tỉnh Thanh Hoá, đã đến xã Đak Nuê, huyện Lak, Đắk Lắk, thỏa thuận liên kết trồng rừng với 127 hộ dân ở các buôn Kte 1, Kte 2, Jơn và 2 thôn Yên Thành 1, Yên Thành 2. Trong đó, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm lập dự án, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, còn các hộ dân góp vốn bằng đất lâm nghiệp được giao quản lý với tổng diện tích hơn 1.635 ha, việc góp vốn thông qua phương thức giao các sổ đỏ cho doanh nghiệp.
Ngoài 56 hộ dân ký kết với Công ty Quỹ phát triển bò sữa và Công ty Trùng Dương, UBND xã lại đứng ra làm đại diện cho 71 hộ dân ở các buôn Kte 1, Kte 2 và buôn Jơn ký kết hợp đồng kinh tế, làm các văn bản bàn giao sổ đỏ, giấy uỷ quyền sử dụng sổ đỏ v.v... cho Công ty Đại Thành với tổng diện tích trên 1.000ha.
Ông Lang Thanh Bình (bìa phải) kể lại với cán bộ CA chuyện bị các đối tượng lừa nhận tiền dự án.
Điều đáng nói ở đây là phát hiện dấu hiệu bất minh, ông Y Bang H'Đơt - Phó Chủ tịch UBND huyện Lak - đã chỉ đạo xã Đăk Nuê không được thực hiện hoạt động liên kết gì với 3 công ty trên. Hơn nữa, trước đó, xã Đak Nuê cũng đã có dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (FLITCH) của Chính phủ sắp triển khai nên không thể có dự án khác chồng lên được. Vậy nhưng lãnh đạo xã này vẫn cho thực hiện. Tất nhiên, cho đến nay, vẫn chẳng hề có dự án nào như 3 doanh nghiệp nêu trên nói được triển khai. Và hiện công ty này còn giữ 71 sổ đỏ của các hộ dân.
Cũng tại huyện Lak, vào đầu tháng 6/2009, qua người quen giới thiệu, một người đàn ông có tên là Mai, trú ở TP Đà Nẵng, xưng là người của một công ty có chức năng huy động vốn, đã đến gặp ông Lương Vĩnh Linh - Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Cư Yang Sin - nói rằng đang có một dự án của một tổ chức phi chính phủ ở Mỹ tài trợ tiền cho công tác phòng chống cháy rừng, phục hồi rừng sau chiến tranh với số tiền hỗ trợ là 30 triệu đồng/ha. Điều kiện, đại diện của Vườn đem giấy CNQSDĐ của Vườn ra Hà Nội để làm thủ tục. Tiền được hỗ trợ, Vườn sẽ hưởng 70%, còn Mai hưởng 30%.
Với diện tích đất rừng được giao là 59.315ha, nếu được hỗ trợ như ông Mai nói thì số tiền sẽ lên đến 1.779,450 tỷ đồng. Một con số quá lớn. Ông Linh đồng ý và giao cho ông Đinh Văn Khuyến - kế toán trưởng của Vườn thực hiện. Ngày 2-6-2009, ông Khuyến mang theo giấy CNQSDĐ của Vườn đi xuống Đà Nẵng. Tại đây, một người tên Cúc đưa ông ra Hà Nội gặp bà Nguyễn Thị Thu Vân - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ quốc tế Phương Đông, có trụ sở tại số 1, ngõ 2, Ngô Gia Khảm, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Bà Vân lại cho ông Khuyến biết số tiền dự án hỗ trợ là 35 triệu đồng/ha. Nếu huy động được thì bà Vân sẽ được hưởng 30%. Bà Vân yêu cầu ông Khuyến đưa giấy CNQSDĐ của Vườn để bà sang làm thủ tục với... Đại sứ quán Mỹ. Ông Khuyến không đưa thì bà Vân dẫn ông đến Ngân hàng Techcom Bank ở Hà Nội rồi lại yêu cầu đưa cho bà ta giấy CNQSDĐ và ở lại tầng trệt để bà ta lên tầng trên làm thủ tục.
Thấy bất thường nên ông Khuyến không đưa giấy CNQSDĐ và về lại Đắk Lắk vào hôm sau. Không riêng gì VQG Cư Yang Sin mà một số đơn vị khác trên địa bàn Đắk Lắk như Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn, Công ty Lâm nghiệp Ea Kar, Công ty Lâm nghiệp Krông Bông và một đơn vị ở tỉnh Đắk Nông là Công ty Lâm nghiệp Đak Win cũng gặp tình trạng có một số đối tượng đến gạ đưa giấy CNQSDĐ của đơn vị mình đem ra Hà Nội làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ. Kết cục, họ đều bị cho ăn bánh vẽ. Sau đó, đến ngày 11/7/2009, một đối tượng nữ nữa ở Đà Nẵng cũng mang tên Cúc lại đến VQG Yok Đôn gặp lãnh đạo đưa ra lời mời chào như trên nhưng với mức tiền là 50 triệu đồng mỗi ha, tỷ lệ ăn chia mỗi bên một nửa. Với diện tích hơn 115.000ha thì số tiền hỗ trợ như các đối tượng nói sẽ lên đến hơn 5.750 tỷ đồng. Vậy nhưng, do đã được cơ quan an ninh kinh tế thông báo trước nên các đối tượng không gạ gẫm được lãnh đạo ở đây đành bỏ đi nơi khác.
Còn tại huyện Ea Súp cũng diễn ra tình trạng tương tự. Ngày 13/6/2009, một người tên Dũng đã đến gặp ông Lang Thanh Bình - là trưởng một nhóm có đất cộng đồng - và nói là có dự án hỗ trợ trồng rừng của một tổ chức phi chính phủ với mức chi 2 triệu đồng/ha. Ông Bình đã đi thông báo cho các nhóm khác họp các thành viên lại để gom giấy CNQSDĐ lại ra Hà Nội nhận tiền. Trên đường đi, ông Bình nhận được điện báo của Công an huyện Ea Sup và UBND xã cảnh báo nên có ý cảnh giác. Khi gặp đối tượng Ngọc ở Hà Nội và bị hắn đòi đưa giấy CNQSDĐ để làm thủ tục thì ông không đưa. Bí mật hỏi thăm về Ngọc, ông mới biết hắn là một tay chuyên "cò" đất.
Qua xác minh, chính quyền, các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đều khẳng định hiện không hề có một dự án nào như các đối tượng nói được đầu tư, thực hiện trong nước cũng như bất kỳ địa phương nào. Khi các giấy CNQSDĐ của các hộ dân, doanh nghiệp đã vào tay bọn chúng thì rất khó có thể biết chuyện gì sẽ xảy ra. Bởi lẽ, các đối tượng có thể dùng các giấy tờ đó đem thế chấp, cầm cố thì hậu quả sẽ không nhỏ.
Thạch Thành (Thanh Hóa): 1.760 người dân giao sổ đỏ cho doanh nghiệp Ngày 14/7, Thượng tá Vũ Văn Dấn - Trưởng Công an huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) cho biết: Trước những thông tin báo chí nêu về tình trạng người dân địa phương giao nộp sổ đỏ cho một số đối tượng nhằm vay vốn dự án trồng rừng, Công an huyện đã đến tận từng hộ dân để điều tra xác minh. Đến nay xác định được 1.760 người dân đã giao nộp sổ đỏ (bản phô tô công chứng), in sao nhiều giấy tờ... giao cho đại diện của ba công ty: Thịnh Phước (Gia Lai), Hương Quế (Nghệ An) và Đạm Xuân (Thanh Hóa). Ngoài ra, qua xác minh cho thấy những đối tượng này còn nhận nhiều sổ đỏ của người dân ở các huyện miền núi khác như: Cẩm Thủy, Bá Thước... Được biết, cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc, đang tích cực điều tra mục đích, động cơ và các hoạt động của các đối tượng đối với cả ngàn sổ đỏ này của người dân. (LQ) |