Thất thoát tài sản nhà nước ở Công ty CPXD thủy lợi 2

Thứ Hai, 25/05/2009, 09:51
Chuyện "thật như bịa" đã xảy ra kể từ khi cổ phần hóa năm 2001 đến nay, chưa đầy 10 năm, Công ty CPXD thủy lợi 2 (Hà Nội) chỉ còn lại trụ sở với lèo tèo vài máy móc cũ và hai người làm công tác bảo vệ, văn thư. 300 trong số gần 1.000 công nhân của công ty đã không có việc làm và đang được gửi đóng BHXH tại Công ty TNHH An Khánh.

Trước khi được cổ phần hóa (CPH), Công ty cổ phần Xây dựng thủy lợi 2 có trụ sở tại xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội được đánh giá là một trong những đơn vị có uy tín, năng lực thi công các công trình thủy lợi của Bộ NN&PTNT.

Nhưng chuyện "thật như bịa" đã xảy ra kể từ khi CPH năm 2001 đến nay, chưa đầy 10 năm, Công ty chỉ còn lại trụ sở với lèo tèo vài máy móc cũ và hai người làm công tác bảo vệ, văn thư. 300 trong số gần 1.000 công nhân của công ty đã không có việc làm và đang được gửi đóng BHXH tại Công ty TNHH An Khánh.

Làm ăn thua lỗ, tài sản bị thất thoát

Nhìn vào những vị trí đất mà công ty được Nhà nước giao, cho thuê như: 89.000m2 đất ở Tân Minh, Sóc Sơn; 311m2 tại 55 Vọng Hà; 345m2 tại 166 Trần Quang Khải (Hà Nội) và 1.831m2 tại Đăng Hải, Hải An (Hải Phòng); trong khi giá trị quyền sử dụng đất và thương hiệu công ty không tính vào giá trị doanh nghiệp (DN); DN được xác định giá trị, định giá tài sản vẫn dựa trên cơ sở sổ sách kế toán nên không sát với thực tế đã giúp cho doanh nghiệp có một lợi thế lớn.

Tuy nhiên ở thời điểm bắt đầu CPH, số lao động (LĐ) trong DN là 902 người, và cũng kể từ đó công ty liên tục có những cuộc tranh giành về quyền lợi của đội ngũ lãnh đạo, dẫn đến việc người lao động (NLĐ) không có việc làm.

Trụ sở Công ty CPXD thủy lợi 2.

Ngày 12/7/2007, Bộ NN&PTNT có Quyết định số 1883/QĐ-BNN-ĐMDN xác định lại giá trị DN lần 2 và bàn giao DNNN sang công ty cổ phần. Không lâu sau, ông Đặng Lê Hoa - Chủ tịch HĐQT đã đưa ra Nghị quyết số 293/2007/HĐQT thu hồi toàn bộ tài sản của công ty để bán; giải tán toàn bộ lãnh đạo và các phòng ban.

Văn phòng Công ty chỉ còn lại 2 người làm công tác bảo vệ và văn thư, số CB CNVC-LĐ còn lại Công ty không bố trí việc làm, không trả lương, phải tự túc kiếm việc làm và đóng 100% tiền BHXH. Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phát hiện 1 trong số 5 loại tài sản Nhà nước là máy doa xi lanh không biết mất từ bao giờ, còn máy ép cót, máy ủi Fiat đã được bán với giá 110 triệu đồng, nhưng tiền cũng không rõ đi đâu?

Theo ông Đỗ Hồng Tiệm, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CPXD thủy lợi 2 (năm 2006-2007) thì từ khi bắt đầu CPH, công ty đã lâm vào cảnh khó khăn. Điển hình như năm 1999-2000, công ty lỗ 10,8 tỉ đồng, trên tổng tài sản là 15,5 tỉ đồng. Trong thời gian ông làm TGĐ, đã nhiều lần ông kiến nghị với HĐQT là phải tìm biện pháp giải quyết việc làm cho NLĐ nhưng không được chấp thuận.

Bà Dương Thị Dinh, nguyên kế toán trưởng công ty cho biết, có những công trình đã trúng thầu rồi, công ty cũng không cho thi công như: đập tràn xả lũ sông Mực, công trình So Do, Hoà Bình.

Cũng theo bà Dinh, hiện nay công ty còn đang chiếm dụng 932.512.869 đồng tiền cổ tức của cổ đông từ năm 2001 đến 2003, không phân phối lợi nhuận từ 2004 đến 2007, tiền thuê đất năm 2007 không hạch toán… tổng số tiền lên đến 7.432.808.369 đồng chưa tính thuế.

Người lao động trắng tay

Ngày 2/2/2009, ông Chủ tịch HĐQT Đặng Lê Hoa đã ký Thông báo số 11/TBCT với nội dung: "Hiện nay Công ty CPXD thủy lợi 2 có danh sách số LĐ đang gửi đóng BHXH tại công ty, không phải là CBCNV trong diện công ty đang quản lý và sắp xếp việc làm. Nay Công ty CPXD thủy lợi 2 chuyển trụ sở về nội thành TP Hà Nội, không thuận tiện cho việc quản lý, thu nộp và theo dõi BHXH cho số LĐ đang gửi đóng BHXH tại công ty.

Công ty đã thống nhất với Công ty TNHH Thép An Khánh, tiếp tục theo dõi, quản lý việc thu nộp BHXH từ tháng 2/2009, cho số LĐ đang gửi đóng trên…". Theo tập thể công nhân thì thông báo trên đồng nghĩa với việc đuổi hết NLĐ khỏi công ty và công ty sẽ không còn LĐ.

Mặt khác, trong quá trình CPH, mỗi LĐ của Công ty được mua tối đa 10 cổ phần ưu đãi/năm làm việc, mức ưu đãi giảm 30% so với các đối tượng khác. Nhưng tại Công ty có tới 57.000 cổ phần ưu đãi của NLĐ đã được các lãnh đạo công ty phù phép để chiếm mua, điển hình là PGĐ Dương Văn Dũng mua vượt mức 15.000 cổ phần, Giám đốc Trần Hữu Hỷ cũng tự ưu đãi 4.776 cổ phần.

Theo phương án CPH, thì 902 LĐ tương ứng với 15.600 năm công tác, tương ứng với hơn 100.000 cổ phần, trong đó có 11.000 cổ phần ưu đãi dành cho LĐ nghèo (được mua giảm giá 30% so với thực tế, được phép nợ 3 năm đầu và trả dần trong bảy năm).

Không hiểu sao ngày 24/7/2008, công ty ra thông báo yêu cầu những cổ đông ưu đãi phải trả hết tiền trong vòng 14 ngày, nếu không có tiền mua thì làm đơn trả lại nhà nước(?). Và đã được Trần Hữu Hỷ và Đăng Văn Tân, Trưởng ban Kiểm soát mua gom lại và bán hết cho Đặng Lê Hoa để ông Hoa có 61% cổ phần và làm Chủ tịch HĐQT Công ty...

Các cấp công đoàn của TP Hà Nội cần có sự phối hợp để giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Được biết, Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng có kế hoạch rà soát, đôn đốc việc thực hiện xử lý sau thanh tra tại Công ty CPXD thủy lợi 2. Trường hợp công ty vẫn không chịu thực hiện, thanh tra Bộ sẽ đề nghị ngân hàng phong tỏa tài khoản công ty

Thu Uyên
.
.
.