Thắt chặt quản lý kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê

Thứ Ba, 04/04/2006, 06:56

Bộ Tài chính vừa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi cho bản dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Tuy nhiên, có lẽ do quá lo ngại về khả năng biến tướng của loại hình này nên bản dự thảo đưa ra khá nhiều quy định mang tính chất bó hẹp phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp tham gia.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phòng Pháp chế Ngân hàng Vietcombank cho biết: Thời gian qua, không ít khách hàng có khả năng và điều kiện trả nợ, song đã cố tình chây ỳ, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Ngân hàng đã nhiều lần cử cán bộ đến làm việc, đôn đốc và yêu cầu khách hàng trả nợ theo đúng cam kết và thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Nhưng do cán bộ ngân hàng chưa được đào tạo về nghiệp vụ đòi nợ và thường kiêm nhiệm nên dù tốn khá nhiều thời gian và chi phí mà vẫn không mang lại hiệu quả.

Do vậy, theo ông Phương, sự ra đời của Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ là cần thiết nhằm hỗ trợ, góp phần làm lành mạnh hóa tình hình giao dịch tài chính của các ngân hàng thương mại hiện nay.

Ai sẽ được lợi khi có dịch vụ đòi nợ thuê?

Theo dự thảo này, các cá nhân, tổ chức đều có thể lập doanh nghiệp kinh doanh loại hình này và sẽ phải chịu sự quản lý của Bộ Tài chính. Dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện đối với các khoản nợ đã quá hạn thanh toán phát sinh trong giao dịch dân sự, có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định của pháp luật. Các khoản nợ không phát sinh trong giao dịch dân sự, chưa quá hạn thanh toán, không có đủ giấy tờ pháp lý, đang tranh chấp, hoặc đã được Toà án tuyên án và chuyển sang cơ quan thi hành án để xử lý... đều không thuộc đối tượng khách hàng của dịch vụ đòi nợ.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp đang hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực đòi nợ thuê, luật sư Trần Vũ Hải, Giám đốc Công ty Luật Hà Nội cho rằng, quy định trên đã thực sự làm yếu đi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bởi như thế đã loại bỏ đa số những trường hợp trên thực tế khách hàng tìm đến doanh nghiệp.

Có ý kiến đóng góp cho rằng, hiện còn đến hàng nghìn bản án chưa được thi hành và hiệu lực không cao, do vậy, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đòi nợ thuê nên được cho phép phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc thu hồi nợ. Ngoài ra, cũng không nên loại ra các khoản nợ chưa quá hạn thanh toán, bởi như thế sẽ loại bỏ yêu cầu chính đáng của các chủ nợ khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn. Cũng có lẽ do quá lo ngại các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng những nhân viên kém hiểu biết pháp luật hay sử dụng "xã hội đen" vào hoạt động đòi nợ, dự thảo đã đưa ra một loạt tiêu chuẩn khắt khe như: người lao động phải có thời gian công tác trong lĩnh vực luật pháp hoặc tài chính ít nhất 3 năm, chưa từng có tiền án, tiền sự...

"Nếu chiểu theo những quy định này thì ngay đến một thạc sĩ luật như tôi cũng không đủ tiêu chuẩn làm nhân viên một công ty dịch vụ thu hồi công nợ vì chưa có tối thiểu 3 năm công tác trong lĩnh vực luật pháp hoặc tài chính", ông Hải giải thích.

Giấy phép con - đầu mối của nhũng nhiễu

Tuy nhiên, một trong những quy định bị các doanh nghiệp "kêu" nhất là giấy phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Một doanh nghiệp muốn tham gia vào kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ do Bộ Tài chính cấp và đăng ký kinh doanh tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc cho phép bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi có giấy phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Một trong những điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ là phải có vốn điều lệ không ít hơn 5 tỷ đồng.

Luật sư Vũ Xuân Tiền, Giám đốc Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam đề nghị bỏ toàn bộ những quy định về giấy phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ bởi theo ông, thực chất đây là một giấy phép con, thậm chí là một "giấy phép con siêu hạng". Ông Tiền cho rằng, thực tiễn trong những năm qua cho thấy, giấy phép con là mảnh đất màu mỡ phát sinh nhũng nhiễu. Trưởng phòng Pháp chế Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam Trương Thanh Đức cũng đồng tình: "Không nên đưa dịch vụ đòi nợ trở thành một hoạt động kinh doanh phải có giấy phép do Bộ Tài chính cấp. Chỉ cần quy định đây là một hoạt động kinh doanh có điều kiện".

Cũng theo ông Tiền, trong khi một công ty môi giới chứng khoán chỉ cần 3 tỷ đồng đăng ký vốn pháp định thì dự thảo Nghị định lại quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 5 tỷ đồng. Hầu hết các ý kiến đóng góp đều cho rằng đây là số vốn quá lớn và hoàn toàn không cần thiết đối với tính chất, yêu cầu của loại hình dịch vụ đặc thù này

H.B.
.
.
.