Tháo gỡ đầu ra cho hàng nông sản

Thứ Hai, 18/05/2015, 09:17
Ngày 15/5, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh công bố chương trình hợp tác thương mại TP Hồ Chí Minh - Hải Dương kết nối cung cầu tiêu thụ mặt hàng vải thiều. Chương trình hợp tác vẫn là “câu chuyện” loay hoay tìm “đầu ra” cho trái vải.

Năm nay, vải thiều được mùa, riêng tỉnh Hải Dương sản lượng ước đạt khoảng 50.000 tấn, nếu tính luôn tỉnh Bắc Giang thì tổng sản lượng khoảng 200.000 tấn, dự kiến sẽ thu hoạch rộ vào tháng 6 tới. Đại diện các siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh khẳng định sẵn sàng hỗ trợ để tiêu thụ mặt hàng đặc sản này.

Bà Trịnh Diệp Thanh Thảo,  Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, sẽ cung cấp danh sách tiểu thương kinh doanh mặt hàng vải thiều tại chợ đầu mối Thủ Đức cho Sở Công Thương Hải Dương để hai bên làm việc trực tiếp với nhau.

Dưa hấu miền Trung, hành tím Sóc Trăng được siêu thị tiêu thụ số lượng lớn để giúp nông dân.

Ban quản lý chợ cũng sẽ cập nhật và cung cấp thông tin diễn biến thị trường mặt hàng vải thiều để các doanh nghiệp (DN) đầu mối của địa phương biết, chủ động được nguồn hàng. Riêng chợ đầu mối Hóc Môn sẽ mở rộng thêm diện tích kinh doanh từ 6 điểm bán lên 11 điểm bán đối với mặt hàng vải thiều. Saigon Co.op cũng dự kiến tiêu thụ khoảng 800 tấn...

Bà Lê Ngọc Đào – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, tháng 6 tới một số doanh nghiệp, nhà sản xuất của tỉnh Bắc Giang sẽ vào TP Hồ Chí Minh, thông qua Sở Công Thương để kết nối, tiêu thụ vải thiều tại hệ thống phân phối.

Trước đó, nhiều mặt hàng nông sản như dưa hấu miền Trung, hành tím Vĩnh Châu – Sóc Trăng, hành tây Đà Lạt cũng bị khố đốn vì “được mùa” nhưng bí  “đầu ra”, dẫn đến việc thương lái ép giá rớt thê thảm. Nhiều cá nhân, tổ chức đoàn thể ở các địa phương đã cùng chung tay “giải cứu” các mặt hàng tồn đọng trên.

Bên cạnh đó, các hệ thống phân phối lớn cũng đã chủ động thu mua, chấp nhận không lãi để giúp nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn. Điển hình, siêu thị Big C ký kết với HTX hành tím Vĩnh Châu tiêu thụ 30 tấn hành tím/tuần. Hệ thống siêu thị Co.opmart ký kết bao tiêu hơn 100 tấn củ hành tím... Tuy nhiên, nỗ lực giải cứu hàng tồn cũng chẳng thấm vào đâu so với lượng hàng còn tồn đọng thực tế.

Nhằm triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ hàng nông sản giúp nông dân các địa phương, mới đây Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đã làm việc với các hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối và chợ loại 1 trên địa bàn TP. Vào thời điểm này, hành tím Vĩnh Châu - Sóc Trăng còn dư thừa hàng chục ngàn tấn.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở Công Thương tổ chức cho các DN và tiểu thương đi khảo sát thực tế về khả năng cung - cầu tại tỉnh Sóc Trăng, trên cơ sở đó thực hiện việc ký kết hợp đồng tiêu thụ, đàm phán cụ thể về sản lượng và giá cả cũng như bàn chuyện bao tiêu dài hạn cho hành tím. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức buổi kết nối với mong muốn thông qua việc kết nối cung - cầu, các nhà sản xuất và nhà phân phối sẽ gặp gỡ, bàn bạc để có “đầu ra” căn cơ, lâu dài không chỉ cho sản phẩm hành tím mà còn cho các loại nông sản khác.

Tuy nhiên, việc giải quyết “đầu ra” cho sản phẩm tồn ứ của các hệ thống phân phối chỉ là giải quyết phần ngọn, còn để  giải quyết tận gốc thì trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Riêng với mặt hàng vải thiều, các nhà phân phối tại TP Hồ Chí Minh đều cho rằng, công nghệ sau thu hoạch đối với loại đặc sản này vẫn còn hổng nên việc vận chuyển và bảo quản rất khó khăn. Hiện, trái vải chỉ bảo quản tươi được từ 1 - 2 ngày. Sang ngày hôm sau là đã xuống màu, rất khó giữ giá.

Các nhà phân phối đề nghị DN, chính quyền địa phương đầu tư kỹ thuật công nghệ sau thu hoạch để tăng thời gian bảo quản lên đến 5 ngày. Ngoài ra, cần chú trọng đến bao bì, nhãn hiệu và cần mở rộng diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGap.

Ông Nguyễn Anh Cương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh cũng xác định giải pháp lâu dài là phải bắt đầu từ khâu sản xuất. Tỉnh đã có diện tích trái vải làm theo chuẩn VietGap và Global Gap, hướng đến việc xuất khẩu ra nước ngoài vải có giá trị cao… Kể cả thị trường trong nước cũng cần có sản phẩm sạch tốt, đó mới là phát triển lâu bền để nông sản trong đó có trái vải.

Thúy Hà
.
.
.