Thành tỉ phú nhờ trồng trầm trên đất cằn

Thứ Tư, 06/07/2011, 14:35
Từ một người đam mê trầm, sau hàng chục năm lang bạt kỳ hồ buôn bán trầm, nhận thấy nguồn nguyên liệu quý này có nguy cơ cạn kiệt trong tự nhiên, ông đã nghiên cứu tạo ra trầm qua việc trồng cây gió bầu và sử dụng công nghệ cấy trầm… Đó là ông Từ Văn Long ở xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Ở vào tuổi 56 nhưng ông vua trầm này vẫn đầy nhiệt huyết của một thanh niên trai trẻ khi đứng giữa rừng gió bầu xanh tốt. Theo ông Long, gió bầu là một loại cây rất quý hiếm cung cấp nguyên liệu trầm nhưng nay đang bị mất dần trong tự nhiên bởi nạn khai thác ồ ạt, kéo theo đó trầm cũng cạn kiệt dần. Đây chính là điều ông trăn trở để dẫn đến quyết định bỏ tiền đi học trồng gió bầu, tạo ra trầm.

Với đầu óc nhạy bén của một người từng theo nghề buôn bán và sự đam mê nguyên liệu trầm, ông Long đã tìm hiểu, trồng thử nghiệm cây gió bầu trên hơn 2ha đất trang trại cằn cỗi của mình vào năm 2001. Sau 2 năm thử nghiệm, thấy cây sống được, ông Long đã quyết định thuê thêm 3ha đất để trồng cây gió bầu.

Ông Long bên sản phẩm trầm thu được từ cây gió bầu.

Vào năm 2007, ông trồng tiếp 2,5ha gió bầu xung quanh trang trại nuôi heo rừng. Đến nay, với diện tích gần 20ha đất, ông có 10ha gió bầu và 10ha keo lá tràm bao bọc xung quanh để bảo vệ diện tích gió bầu quý giá của mình. Ông Long cũng là người chính thức "mở đường" đầu tiên của miền Trung trồng loại cây này và có "công nghệ" tạo trầm thành phẩm trước lúc đưa ra thị trường trong và ngoài nước.

"Để trồng được loại cây gió bầu và tạo được sản phẩm trầm thành phẩm, ngoài vốn kiến thức học lỏm được trong thời gian buôn trầm tứ xứ, tôi còn bỏ công mày mò tìm hiểu về khí hậu thổ nhưỡng rồi cũng không ngoại trừ việc so sánh nó với các loại cây trồng được trên vùng đất cằn này", ông Long cho biết. 

Rừng gió bầu của ông Long hiện có 15.000 gốc, trong đó 10.000 gốc được thu hoạch từ đầu năm 2011 với 150 ký trầm. Đây là sản phẩm khảo nghiệm đầu tiên sau 10 năm của ông. Mỗi ký ông bán với giá 500 USD (tương đương 20.600.000 đồng) cho các thương lái Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản… Ông Long ước định, vào năm 2015, vườn gió bầu của ông sẽ cho thu hoạch không dưới 50 tỉ đồng.

Đặc biệt, cây gió bầu còn là loại cây tận thu bởi trên 1 cây thì vỏ cây và lá cây được tái chế để tạo ra khoảng 10kg bột nhan hương và 3kg giác xông. Ngoài ra, thân cây gió bầu còn được sử dụng để chế biến đồ thủ công mỹ nghệ.

Ông cho biết thêm, ngoài tự nhiên, cây gió bầu phải đến 100 năm mới có thể tạo trầm nhưng cây gió bầu trồng thì từ 8 đến 10 năm là có thể thu hoạch. Tất nhiên, giá trầm tự nhiên và trầm nhân tạo chênh lệch nhau hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần. Ông bảo: "Tôi trồng loại cây này xuất phát từ sự đam mê với trầm hương. Có lẽ cuộc đời tôi sẽ gắn liền với trầm hương".

Hiện, trên diện tích trồng gió bầu, keo lá tràm, ông Long còn tận dụng xây dựng chuồng trại nuôi hơn 200 con heo rừng lai. Hằng năm, trang trại heo rừng của ông cho lãi từ 150 đến 200 triệu đồng. Rừng và trang trại heo của ông giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 nhân công của thôn, với thu nhập hằng tháng từ 3,5 đến 4 triệu đồng

Phan Thanh Bình
.
.
.