Thành công nhờ làm “chuyện ngược đời”

Chủ Nhật, 26/05/2019, 00:07
Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, anh Nguyễn Vũ Phong đầu quân cho một số công ty, phiêu dạt nhiều nơi nhưng vẫn bấp bênh với nghề. Suy nghĩ kỹ, anh Phong quyết định về quê lập nghiệp. 

Tuy nhiên, đất quê anh - xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) là đất phèn, chỉ có cây tràm, cây mía, cây khóm mới sống nổi, còn trồng lúa “năm ăn năm thua”. Tham khảo nhiều mô hình, cuối cùng anh chọn cây tiêu để khởi nghiệp.

Biết ý định anh Phong, cha mẹ kiên quyết phản đối vì cây tiêu chỉ phù hợp ở đất cao, đất đỏ bazan vùng Tây Nguyên; vùng đất phèn Thạnh Trị, trồng tiêu coi như “tiêu đời”. Nhiều người còn cho rằng anh Phong bị bệnh... thần kinh. Bỏ ngoài tai những lời xì xầm của mọi người, anh Phong khăn gói lên Đắk Lắk tham quan, tìm hiểu kỹ thuật trồng tiêu. Khi có kiến thức cơ bản về cây tiêu, năm 2016, anh mua 200 gốc mang về trồng thử và thật bất ngờ, cây tiêu phát triển tốt, cho trái nhiều.

Anh Phong chia sẻ: “Ở Tây Nguyên, bà con làm trụ tiêu bằng gỗ hoặc xi măng và giá của các loại trụ này khá cao. Trong khi đó ở quê tôi có rất nhiều tràm, có thể dùng làm trụ tiêu được. Tôi lấy tràm con trồng, sau 4 tháng cây tràm lớn bằng bắp tay tôi mới trồng tiêu. Chỉ mấy tháng sau, tiêu bám vào cây tràm phát triển tốt. Từ 200 gốc ban đầu, hiện tôi có 3.500 gốc tiêu, 2.000 gốc cho thu hoạch. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi năm tôi thu trên 100 triệu đồng. Sau này chắc chắn thu nhập cao hơn vì cây hồ tiêu đã trưởng thành, cho trái nhiều hơn”.

Hiện số trụ tiêu của anh đã được từ 2 - 3 năm tuổi, bắt đầu cho thu hoạch. Vụ đầu tiên, mỗi trụ tiêu cho năng suất từ 0,5kg-1kg, nhưng năm 2018, mỗi trụ cho 3kg, cá biệt có trụ cho đến 6kg trái. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, anh đã thu hoạch được 1,1 tấn tiêu khô. Hiện anh bán sỉ cho thương lái giá 80.000đ/kg, bán lẻ 100.000đ/kg. “Phương châm sản xuất của tôi là chỉ thu hoạch khi tiêu đã chín, chín tới đâu thu hoạch tới đó nên nhiều người thích vì thơm, cay. Mỗi ngày thu hoạch vài ba chục cân cho vào máy tuốt hạt, đem phơi khô rồi bán. Ngoài ra, tôi cũng bán tiêu xanh cho các quán ăn, nhà hàng. Nói chung sản phẩm này không sợ ế”, anh Phong chia sẻ.

Anh Phong bên vườn tiêu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm.

Hiện vườn tiêu của anh Phong rộng 2,5ha với 3.500 trụ. Ngoài tiêu, anh còn tận dụng đất trống trồng cỏ nuôi bò, lấy phân bò bón cho tiêu. Không chỉ trồng tiêu lấy trái, anh còn ươm tiêu giống để có giống tiêu trồng và cung cấp cây giống ra thị trường. Bên cạnh đó, anh cũng trồng trên 1.000 gốc dừa chuẩn bị cho trái.

Chị Huỳnh Thị Hồng Tơ, Bí thư Đoàn xã Lâm Tân nhận xét, sự táo bạo cộng với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương đã giúp anh Phong thành công. Thành công này cũng là tín hiệu tích cực, thể hiện sự chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm của người dân tại những khu vực được dự báo sẽ chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…

Đức Văn
.
.
.