Thành công của chính sách tiền tệ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân

Thứ Năm, 25/12/2014, 09:31
Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2015 diễn ra ngày 24/12.

Phó Chủ tịch nước cho biết, trong năm vừa qua, đất nước tiếp tục đương đầu với nhiều khó khăn thách thức mới, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Song với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng, triển khai kịp thời các Nghị quyết của Trung ương Đảng nên khép lại năm qua, chúng ta đã đạt 13/14 chỉ tiêu đề ra. “Thắng lợi đó có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống ngân hàng”, Phó Chủ tịch nước khẳng định.

Phân tích cụ thể hơn, Phó Chủ tịch nước cho rằng bước vào năm 2014, vấn đề nợ xấu cũng như việc nhiều ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, không khỏi khiến nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, NHNN đã kiên định, nhất quán, song cũng rất chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, cũng như tích cực tái cơ cấu nâng cao sức mạnh hệ thống, qua đó đã tạo được niềm tin của nhân dân, nhà đầu tư. Ngành Ngân hàng cũng tích cực hưởng ứng phong trào thi đua cả nước xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, đặc biệt là tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, như thu mua lúa gạo, liên kết 4 nhà, cho vay ngư dân, hỗ trợ chính sách nhà ở, cho vay học sinh sinh viên. “Nhờ đó bộ mặt nông thôn đổi mới căn bản... trong đó có vai trò quan trọng của ngân hàng”, Phó Chủ tịch nước đánh giá.

Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi tích cực năm 2014 nhờ chính sách tiền tệ đúng đắn.

Tại hội nghị, một vấn đề rất được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, đó là chính sách điều hành tỷ giá. Về vấn đề này, người đứng đầu ngành Ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố năm 2015, tỷ giá sẽ được điều chỉnh không qua 2%. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, năm 2014, dự báo xuất khẩu tăng khoảng 10%, thâm hụt cán cân thương mại 5%... Điều này có thể gây áp lực lên tỷ giá. Bởi vậy, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, giữ chủ trương điều hành tỷ giá không quá 2%, hệ thống ngân hàng sẽ phải nỗ lực rất nhiều.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mức độ điều chỉnh 2% trong năm 2015 là hợp lý, bởi nguồn cung ngoại tệ vẫn dồi dào và dự kiến lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Cụ thể, năm 2015, nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu dầu có thể giảm mạnh, song sự thiếu hụt này có thể được bù đắp bởi nguồn thu từ xuất khẩu dự kiến tăng lên, do kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết có hiệu lực. Bên cạnh đó, giải ngân FDI, kiều hối dự báo vẫn tiếp tục tăng mạnh, dự trữ ngoại hối của NHNN khá dồi dào khiến việc giữ tỷ giá ổn định ở mức trên, hoàn toàn nằm trong tầm với của NHNN.

Đáng chú ý, lạm phát trong nước giảm mạnh cũng khiến áp lực điều chỉnh tỷ giá không lớn. Lạm phát của Việt Nam năm 2014 chỉ 1,8%, thấp hơn rất nhiều so với mọi dự đoán trước đó, trong khi lạm phát của Mỹ là 2%. Như vậy, tiền đồng đã không còn mất giá so với đồng USD, thậm chí còn được giá. Việc điều chỉnh tỷ giá có thể giúp xuất khẩu được lợi nhưng nhập khẩu lại tăng mạnh hơn, gây bất ổn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, giữ ổn định không có nghĩa là tỷ giá hoàn toàn lặng sóng. Năm 2014, tỷ giá chỉ điều chỉnh 1% nhưng thị trường cũng nhiều phen sóng gió. Vì vậy, năm 2015, những đợt sóng tỷ giá cũng không thể tránh được.

Theo dự báo, năm 2015, kinh tế thế giới sẽ khởi sắc hơn nhưng vẫn còn nhiều bất ổn, nguy cơ lạm phát luôn rình rập... Bởi vậy, chính sách điều hành tiền tệ của NHNN vẫn kiên định mục tiêu điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn thanh khoản của các tổ chức tín dụng. Thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục triển khai các chương trình gắn kết tín dụng ngân hàng với chính sách ngành kinh tế, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình của Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tăng cường phối hợp với các chính sách vĩ mô khác.

Vượt thu 106,2% dự toán

Tính đến hết ngày 22/12, tổng thu ngân sách Nhà nước là 831,19 nghìn tỷ đồng, đạt 106,2% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 105% dự toán; thu từ dầu thô đạt 118,4% dự toán; thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 104,5% dự toán. Ước tính cả năm thu ngân sách Nhà nước đảm bảo mức đánh giá đã báo cáo Quốc hội là 846,4 nghìn tỷ đồng. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.

Bộ Tài chính cho biết, nguồn vượt thu NSNN dành 10 nghìn tỷ đồng chuyển nguồn sang 2015 thực hiện chính sách tiền lương, phần còn lại tập trung thanh toán nợ và tăng chi trả nợ của NSNN. Cùng với thu, chi NSNN được quản lý, điều hành chặt chẽ, kịp thời xử lý các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh về khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh; an sinh xã hội được đảm bảo. Điều hành bội chi trong phạm vi Quốc hội quyết định là 224 nghìn tỷ đồng 5,3% GDP. 

Tính đến tháng 11/2014, đã có 90/108 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được cấp thẩm quyền phê duyệt đề án tái cơ cấu. Trong 11 tháng năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 177 doanh nghiệp (trong đó: cổ phần hóa 115 doanh nghiệp, sáp nhập 62 doanh nghiệp). Việc thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) cũng đạt những kết quả khả quan, với tổng vốn đầu tư đã thoái trong 10 tháng năm 2014 là 2.415 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2013.
PV
.
.
.