Thận trọng với việc thu mua nông sản bất thường tại đồng bằng sông Cửu Long
Từ cam non, cau non…
Tại huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) xuất hiện nhiều điểm tập kết thu gom cau non từ nhiều tháng qua. Thường ngày, từ 14-16h, dân nông thôn chở cau non bán lại cho các điểm tập kết. Theo bà N.T.L., một người dân bán cau cho thương lái, sau khi đi thu mua cau non về, bà L. thuê nhân công tách cau rồi đóng thùng đưa đi TP Hồ Chí Minh, mỗi nhân công tách 2.000đ/kg. Theo ông Nguyễn Hùng Thoại, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phong Điền, ngoài thu mua tại các điểm tập kết tại thị trấn, thương lái còn đi sâu vào các xã, như: Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Trường Long, Giai Xuân... để mua cau.
Hoa thanh long đang được các thương lái mua với giá cao. |
Hiện tượng thương lái mua cau non còn xuất hiện ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh), Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng... Ông Tô Hoàng Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Điền, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) xác nhận, cách đây gần tháng, một số người ở địa phương khác đến xã tìm mua cau non. Châu Điền là một trong 2 xã có diện tích trồng cau lớn nhất của huyện Cầu Kè, xưa nay người dân chỉ trồng để ăn hoặc sử dụng trong đám cưới, hỏi. Khi phát hiện có người đến mua cau non, ông cố tình tiếp cận, hỏi mua để làm gì thì họ không trả lời.
Tương tự, tại Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang Đồng Tháp… rộ lên việc thương lái thu cam non với giá 2.000đ/kg và 12.000đ/kg nếu cam xắt miếng phơi khô. Ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, Trà Vinh), cho biết: Vườn cam sành 4.000m2 đang xử lý cho cây ra hoa vụ nghịch nên phải cắt bỏ trái non. Trước đây, trái non này sẽ bỏ đi, nhưng gần đây có thương lái mua nên tôi gom bán kiếm tiền mua phân bón. Vừa qua tôi hái bỏ trái non được hơn 100kg kiếm cũng được 2 triệu đồng”.
Người dân ĐBCSL xắt lát cam non phơi khô rồi bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc. |
Theo ông Thanh, thấy thương lái thu mua cam non bà con thắc mắc hỏi thì có người nói đem làm nhang muỗi, làm thuốc bắc, xuất sang Trung Quốc (!?)… Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cầu Kè, cho biết: “Chúng tôi đã nhận được thông tin nông dân trồng cam sành trên địa bàn huyện bán cam non cho các thương lái thu gom, xắt mỏng rồi bán các nơi. Khi đó Hội Nông dân đã đích thân tìm hiểu thì việc làm này không ảnh hưởng đến năng suất cam vì hầu hết là cam rụng, tỉa để nuôi trái đẹp, lớn hơn…
Trước đây, trái non bỏ tại gốc, giờ có thương lái mua thì bà con tận thu. Còn việc hái cam non bán với giá 2.000đ/kg thì không ai làm vì trong thực tế giá cam sành trong vòng 1 tháng trở lại đây tăng giá kỷ lục, với mức trên 35.000đ/kg cam xô.” Ở tỉnh Hậu Giang, ông Võ Châu Nhu (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành) cho biết: “Việc thương lái thu mua cam sành non đã có khoảng 1 tháng nay. Nhờ thương lái thu mua cam non nên việc tỉa thưa trái trên cây qua 2 đợt tôi cũng kiếm được gần 300.000 đồng”.
…Đến hoa thanh long
Còn ở tỉnh Tiền Giang và Long An, thương lái thu mua hoa thanh long về sấy khô, xuất sang Trung Quốc để làm trà và thực phẩm (!?). Bà Đinh Thị Tươi (ngụ xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang), cho biết: “Mới đây tôi tỉa 4.000m² thanh long được hơn 80kg hoa bán cho thương lái với giá 2.500đ/kg, thu được trên 200.000 đồng.”
Một lô hàng hoa thanh long chuẩn bị được xuất sang Trung Quốc. |
Hỏi bà vì sao cắt hoa thanh long bán mà không để trái, bà Tươi cho biết: “Vườn đang vào mùa kích thích cây thanh long ra trái nên lượng hoa rất nhiều. Nếu muốn cây thanh long cho trái to, đẹp, năng suất cao thì phải cắt bỏ những hoa xấu, chỉ để lại vài hoa đẹp trên 1 nhánh cây. Trước đây không có người mua hoa thanh long thì phải cắt bỏ, nay có người mua thì cắt bán nếu không cũng phải tỉa bớt”.
Ông Đinh Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, cho biết: Hiện tại trên địa bàn xã thương lái đang thuê hơn 1.000m² đất của bà Nguyễn Thị Lên để làm điểm thu mua hoa thanh long. Theo điều tra của địa phương, người đứng ra thu mua hoa thanh long tên là Thiện (ngụ Trà Vinh), người thuê đất là bà Trần Thị Châu Giang (ngụ Cần Thơ).
Ông Thiện (người mua bông thanh long), cho biết: “Chúng tôi thu mua hoa thanh long về sấy khô rồi xuất bán sang Trung Quốc để pha trộn vào một số loại trà cao cấp. Hoa thanh long sau khi sấy có mùi thơm ngọt đặc trưng. Pha vào nước uống có vị ngọt thanh, dễ uống. Ngoài việc làm trà và nước giải khát, bông thanh long sau khi sấy cũng có thể làm dưa nấu với thịt heo, rất ưa chuộng tại Trung Quốc”.
Theo ông Đinh Văn Tiến, nếu thương lái chỉ mua hoa thanh long xấu được tỉa bỏ thì có lợi cho nông dân. UBND xã Quơn Long thường xuyên nhắc nhở nhà vườn nên cảnh giác, chỉ bán những hoa xấu được tỉa bỏ, chứ không bán hoa thanh long tốt với bất cứ giá nào.
Còn ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), nói: “Việc thương lái chỉ mua những hoa thanh long xấu, còi cọc thì cũng tốt, bởi thương lái không mua thì nông dân cũng bỏ. Tôi nghĩ, không nông dân nào cắt bán hoa thanh long tốt với giá 2.000 - 2.500đ/kg, trong khi để hoa kết quả sẽ bán được vài chục ngàn đồng 1kg trái. Chúng tôi khuyến cáo, nhắc nhở nhà vườn cảnh giác trước việc thương lái thu mua hoa thanh long và đề nghị người trồng lựa chọn kỹ trước khi cắt bán…”
Những năm qua, nhiều nơi xảy ra tình trạng thu gom các sản phẩm nông nghiệp rất “quái” của thương lái, như: ngọn khoai lang, ốc bươu vàng, đọt khoai mì, râu ngô, lá mãng cầu… giờ là cam non, cau non, hoa thanh long, cỏ xuyến chi…
Ban đầu, thương lái mua số lượng ít với giá cao, sau đó gom số lượng lớn rồi bỏ mua. Lúc đó thương lái địa phương rơi vào cảnh gom hàng nhưng không biết bán ở đâu. Không có tiền trả cho dân, nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến tình trạng mất ANTT. Thiết nghĩ, các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc buôn bán thu gom các sản phẩm nông nghiệp tránh để các đối tượng xấu lợi dụng gây bất ổn ở địa phương…