Thận trọng để tránh rủi ro trong xuất khẩu rau quả

Thứ Tư, 05/06/2013, 22:41
Sắp tới, 5 loại rau quả tươi (ngò gai, ớt, cần tây, húng quế và khổ qua) do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) tạm ngưng cấp giấy kiểm dịch xuất khẩu (XK) sang thị trường EU sẽ được cấp phép kiểm dịch trở lại. Từ vụ việc trên, các chuyên gia cho rằng, đây là bài học cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) và cả cơ quan quản lý khi quyết định “làm ăn” với đối tác nước ngoài.

Đầu năm 2012, 5 loại rau quả tươi trên của DN Việt Nam XK sang EU nhưng không đáp ứng đúng điều kiện VSATTP của nước nhập khẩu (NK). Phía EU thông báo, nếu tiếp tục phát hiện thêm 5 lô hàng nữa bị nhiễm vi sinh thì EU sẽ ngưng NK các mặt hàng rau quả từ Việt Nam. Do vậy, để tránh ảnh hưởng đến việc XK rau củ quả của DN Việt Nam vào thị trường này, cuối tháng 3/2012, Cục Bảo vệ thực vật đã quyết định ngừng cấp giấy kiểm dịch cho 5 mặt hàng rau quả tươi nói trên sang thị trường EU để chấn chỉnh lại.

Nhìn lại kim ngạch XK của ngành Rau củ quả trong vài năm trở lại đây mới thấy, tiềm năng XK của ngành này còn rất lớn, hiện rau củ quả của Việt Nam đang có mặt tại 50 thị trường trên thế giới. Theo đánh giá của Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Đó là tín hiệu đáng mừng, đặc biệt hơn nữa là XK trong những tháng đầu năm, ngành rau quả không chỉ tăng về sản lượng mà về giá trị cũng đã tăng đáng kể.

Ông Trần Ngọc Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu (Bình Thuận) dẫn chứng: Trong 4 tháng đầu năm, với mặt hàng trái cây thanh long, Công ty XK tăng 20% về sản lượng và tăng 30% về giá trị so cùng kỳ.

Ông Huỳnh Quang Đấu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP TP rau quả An Giang cũng cho rằng: Kết quả XK trong 4 tháng đầu năm, công ty  đã đạt 5 triệu USD (tăng 30% so cùng kỳ). Còn bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc Công ty TNHH XNK Rau quả  Chánh Thu (Bến Tre) thì cho biết, trong thời gian qua, Công ty Chánh Thu liên tục nhận những đề nghị đặt hàng của các khách hàng Đức, Nhật… nhưng DN không dám ký hợp đồng vì thiếu nguyên liệu.

Từng bước tiếp cận thị trường, hiện nay một số loại trái cây của Việt Nam cũng đã chen chân và có chỗ đứng nhất định tại một số thị trường “khó tính” như: Mỹ, Nhật, Hàn Quôc, New Zeland… Ông Trần Ngọc Hiệp cho biết, mặt hàng thanh long XK tốt tại các thị trường, kể cả các thị trường “khó tính” là do thực hiện tốt việc kiểm tra dư lượng thuốc BVTV. Ông Nguyễn Văn Ngã - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2 (Cục Bảo vệ thực vật) cũng khuyên các DN XK rau quả là nên tìm mua các loại rau quả tại những cơ sở sản xuất theo mô hình thực hành nông nghiệp tốt để XK, để tránh rủi ro về vấn đề kiểm dịch khi XK vào EU như 5 loại rau quả trên.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, mặc dù thị trường XK đang rộng mở, nhưng ngành rau quả vẫn gặp không ít khó trong vấn đề XK. Chẳng hạn như thiếu số liệu thống kê XK, dẫn đến công tác dự báo tình hình XK và giá cả thị trường bị hạn chế; Hay ATVSTP là vấn đề hết sức quan trọng nhưng hiện nay các cơ sở trồng rau quả được chứng nhận VietGap còn quá ít nên DN phải mua thêm hàng không có chứng nhận VietGap. Với nguồn hàng này thì khả năng không đảm bảo các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc trừ sâu, ATVSTP khá cao. Vì thế, mặc dù thị trường XK tốt, nhưng DN trong nước đang đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu.

Vì vậy, để đạt mục tiêu XK của ngành trong năm 2013 là 1 tỷ USD (XK năm 2012 là 829 triệu USD), ông Huỳnh Quang Đấu – Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, điều quan trọng hiện nay là làm sao cho nông dân ý thức được việc sản xuất phải đảm bảo ATVSTP, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đặc biệt là các DN phải nỗ lực để cùng nhau vượt qua khó khăn

K.Ngân
.
.
.