Thách thức quản lý thuế trong nền kinh tế số

Thứ Hai, 13/05/2019, 08:21
Khi Internet bùng nổ, thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển, việc quản lý thuế đòi hỏi phải có sự cải cách để theo kịp thời đại kinh tế số. 


Bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản pháp luật, cần phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ chính sách, minh bạch để tránh thất thu thuế.

Tuy không phải là loại hình kinh doanh quá mới, nhưng với tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ, TMĐT đang ngày càng thay đổi mạnh mẽ tại các quốc gia trên thế giới và đặt các cơ quan quản lý trước sự lựa chọn thay đổi phương thức quản lý. 

Theo nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Còn số liệu từ Bộ Công Thương thì cho thấy, trong 5 năm gần đây, TMĐT tăng trưởng với tốc độ 25-30% mỗi năm với tổng giá trị giao dịch TMĐT năm 2018 đạt 8 tỷ USD.

Nói TMĐT hay kinh tế số nghe có vẻ xa xôi, nhưng những hình thức mua hàng trực tuyến trên các trang bán hàng như Lazada, Sendo, Adayroi... hay các dịch vụ đặt phòng trực tuyến Agoda.com; Traveloka.com; Booking.com; Expedia.com...; hay mới đây, câu chuyện Khá Bảnh được Google trả tiền cho những clip đăng tải trên mạng youtube có lượt truy cập lớn, có tháng được trả tới gần 500 triệu đồng nhưng chưa hề đóng thuế là những ví dụ minh chứng cho bài toán giữa quản lý thuế trong thời đại kinh tế số. 

Đặt phòng trực tuyến là một hình thức TMĐT phát triển.

“Tại Việt Nam, chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống và hoạt động kinh doanh theo phương thức TMĐT. Việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT đang được thực hiện theo đúng quy định của các Luật Thuế (Giá trị gia tăng, Thu nhập doanh nghiệp, Thu nhập cá nhân) các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thuế, Luật Quản lý thuế… 

Để mở rộng nguồn thu, tránh thất thu với loại hình kinh doanh đầy tiềm năng này, với tư cách là cơ quan quản lý, Tổng cục Thuế cùng các cơ quan liên quan đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số và TMĐT. 

Tuy nhiên, do nhiều lý do, hoạt động kinh doanh TMĐT vẫn còn một số tồn tại như: một số hoạt động TMĐT chưa có trong danh mục các ngành nghề kinh doanh nên việc cấp phép đăng ký kinh doanh còn gặp vướng mắc, gây khó khăn cho công tác quản lý trong việc phân loại đúng ngành nghề, thu nhập để xác định nghĩa vụ thuế”, ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.

Theo ông Tuấn, hiện nay, với tỷ lệ trên 90% là hóa đơn giấy, gần 10% là hóa đơn điện tử nhưng chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp chuyển dữ liệu hóa đơn về cơ quan thuế nên công tác quản lý thuế gặp nhiều khó khăn đặc biệt trong công tác quản lý kê khai. 

Bên cạnh đó, khó khăn trong việc xác định được đúng bản chất giao dịch để đánh thuế đối với các giao dịch kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ cũng là một thách thức không nhỏ cho cơ quan quản lý. Việc quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới vẫn còn bất cập, nhất là đối với các thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube…

Những khó khăn này đặt cơ quan quản lý trước nhiều thách thức và việc tìm ra cơ chế quản lý để vừa tạo thuận lợi cho hoạt động TMĐT, vừa không làm xói mòn, thất thu thuế là vấn đề không dễ để dung hòa.

Tìm giải pháp cho bài toán quan hệ giữa thu thuế và phát triển TMĐT, bà Nguyễn Vân Chi - Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, do đây là chính sách mới nên không thể đảm bảo tất cả các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài mà có phát sinh thu nhập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sẽ thực thi đầy đủ. Tuy nhiên, chúng ta nên đi từ đối tượng lớn đến đối tượng nhỏ, ban đầu là những nhà cung cấp dịch vụ khổng lồ trên mạng. 

Theo bà Chi, cơ quan thuế cần phải hoàn thiện từ khía cạnh quản lý, đảm bảo thu được thuế công bằng. Làm sao có quy định rõ ràng rành mạch để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuận lợi nhất. 

Bên cạnh đó, cách thu cũng cần được hoàn thiện, bổ sung thêm quy định cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cũng sẽ thực hiện nghĩa vụ đăng kí kê khai tại nước ngoài và Việt Nam “Bất cứ cá nhân nào có phát sinh thu nhập tại Việt Nam thì đều phải có cách để quản lý và thu”.

Dưới góc độ là chuyên gia cao cấp về thuế của WB, ông Jonathan Leigh Pemberton cho rằng: Kinh tế số là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai và ngày càng phát triển so với kinh doanh truyền thống. Do vậy trong hệ thống thuế chính sách cần đảm bảo tính công bằng và trung lập, không bóp nghẹt sự phát triển của TMĐT và không tạo ra sự bất lợi đối với doanh nghiệp truyền thống.

Hà An
.
.
.