Tây Nguyên: Nỗi lo mùa cà phê chín

Thứ Năm, 23/11/2006, 08:46
Dù giá cà phê đang tăng nhưng người trồng cà phê Tây Nguyên vẫn phải "đau đầu" vì nạn ve sầu tấn công, thiếu nhân công lành nghề hái cà phê...

Những tháng cuối năm, trên các nẻo đường của buôn làng Tây Nguyên nhộn nhịp, tấp nập các đoàn xe công nông chở bà con lên rẫy, chở hạt cà phê về nhà. Niên vụ cà phê 2006-2007 đang hứa hẹn một mùa bội thu, đem lại no ấm cho đồng bào Tây Nguyên. Song, bên cạnh đó, vẫn còn những nỗi lo…

Thông tin về giá cà phê nhích lên từng ngày đang khiến cho người trồng cà phê phấn chấn. Trong tháng 11, có thời điểm, giá mua cà phê tại các địa phương lên đến hơn 23.000đ/kg nhân xô, đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của người trồng cà phê thì năm nay, cà phê nhiều quả, được mùa hơn hẳn các năm trước. Hầu hết các chủ vườn cà phê đều khẳng định: sản lượng chắc chắn sẽ hơn năm ngoái.

Anh Ama Bôk, một nông dân ở huyện Cư M'gar vui vẻ nhẩm tính: Gia đình tôi có 5 ha cà phê kinh doanh, với lượng quả thế này mỗi ha cho khoảng 4 tấn, chỉ lấy với giá thấp hơn hiện tại, 20.000đ/kg, trừ chi phí đầu tư, công cán, cũng còn vài trăm triệu! Trên địa bàn Tây Nguyên, số hộ "trúng" cà phê như Ama Bôk không phải là ít.

Thế nhưng, được mùa, được giá vẫn còn lo. Từ tháng 8, tại các vườn cây rải rác một số địa phương xuất hiện côn trùng lạ gây bệnh cho cây cà phê. Con số thống kê 45.000 ha cà phê bị ve sầu tấn công tại Tây Nguyên vẫn chưa phải là con số cuối cùng. Hiện một số vườn bị nhiễm ve sầu nhưng cây vẫn chưa chết, vẫn còn cho thu hoạch nhưng vụ mùa tiếp theo chắc là rất khó khăn. Người trồng cà phê đang nóng lòng chờ đợi loài thuốc đặc hiệu để tiêu diệt mầm bệnh do ve sầu gây ra.

Một nỗi lo năm nào cũng xuất hiện vào vụ thu hoạch đó là khan hiếm nhân công. Để thu hoạch được 1 ha cà phê, cần không dưới 2 nhân công trong khoảng thời gian 2 tuần (kể từ khi chín bói cho đến hết vụ). Các gia đình neo người thường phải thuê người hái, song không phải lúc nào cũng sẵn, nhất là những "thợ hái" có tay nghề cao, khi hái không làm hỏng cành cây. Thông thường, khi vào mùa, đội quân hái thuê từ ngoài Bắc kéo vào khá đông nhưng các chủ vườn thường phải chọn người quen đủ tin cậy.

Bên cạnh đó, nạn trộm cắp cà phê đang làm cho các chủ vườn phải thức trắng đêm canh gác. Giá cả tăng, kéo theo tình trạng trộm cắp cũng tăng. Có nơi, bọn trộm táo tợn đánh xe vào vườn, chọn cành nhiều quả chặt luôn cả cây chở đi!

Để bảo vệ thành quả lao động, đồng thời tiết kiệm chi phí bảo vệ,  rất nhiều hộ dân đã chọn "giải pháp an toàn" là tuốt sạch đem về phơi cho chắc! Hái vội, hái xanh, dẫn đến chất lượng giảm sút, đó là điều tất nhiên.  Điều đó cũng lý giải vì sao sản lượng xuất khẩu cà phê hàng năm của nước ta đứng thứ 2 thế giới, nhưng kim ngạch chỉ xếp ở vị trí thứ 5

Tuấn Thiện
.
.
.