Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam đã sai phạm những gì?

Chủ Nhật, 20/08/2006, 08:58

Sau khi chào lại giá, giá bỏ thầu của Marubeni giảm xuống vẫn được trình kết quả đàm phán; còn Technopromextport có giá thầu chỉ vượt 1,94% thì không được thương thảo, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 11/8, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Văn bản số 122/TB-VPCP, thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về kết quả thanh tra tại Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam).

Theo đó, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, cùng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ phân tích kỹ, đúng bản chất của sự việc và xác định rõ mức độ thiệt hại về kinh tế do việc làm trái các quy định về quản lý đầu tư, xây dựng; thực hiện quy chế đấu thầu mua sắm thiết bị và triển khai dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Na Dương của Tổng Công ty Than Việt Nam; báo cáo và kiến nghị biện pháp xử lý lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8.

Yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam báo cáo, giải trình nghiêm túc về các vấn đề nêu trên. Bộ Công an tiếp tục xác minh làm rõ những sai phạm tại đơn vị này; nếu có dấu hiệu tham nhũng phải khởi tố điều tra theo đúng quy định của pháp luật.

Vậy Tập đoàn mới thành lập này đã sai phạm những gì? Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ thì việc thực hiện đầu tư, mua sắm trang thiết bị của Tổng Công ty Than Việt Nam đã có các sai phạm về kinh tế với giá trị rất lớn.

Riêng dự án đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Na Dương, công suất 100MW, sản lượng 600GWh/năm, tổng mức đầu tư 124,26 triệu USD, có 5 gói thầu, gói số 3 "Lựa chọn nhà thầu xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Na Dương theo phương thức hợp đồng EPC chìa khóa trao tay: Thiết kế, cung cấp thiết bị, xây lắp, đào tạo vận hành và chuyển giao công nghệ", có sai phạm nghiêm trọng.

Trong đợt mở thầu năm 1999, ba nhà thầu Technopromextport (Nga), Sumitimo và Marubeni (Nhật Bản) đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng không trúng thầu vì giá bỏ thầu vượt kế hoạch. Do vậy, Bộ Công nghiệp đã điều chỉnh 18 nội dung của hồ sơ mời thầu để giảm giá gói thầu. Sau khi chào lại giá, giá bỏ thầu của Marubeni là 116.997.213 USD, Technopromextport là 101.936.881 USD, nhưng Tổng Công ty Than chỉ tiến hành đàm phán với nhà thầu Marubeni để giảm giá bỏ thầu.

Sau khi đàm phán, giá bỏ thầu của Marubeni giảm xuống còn 106.147.000 USD (cao hơn 5,93% giá trị kế hoạch của gói thầu) vẫn được trình kết quả đàm phán; còn Technopromextport có giá thầu chỉ vượt 1,94% thì không được thương thảo, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo thỏa thuận trong hợp đồng với Than Việt Nam, nếu chậm tiến độ, Marubeni phải bồi thường 70.000 USD/ngày. Vì nhà thầu đưa ra các lý do bất khả kháng nên Hội đồng quản trị đã tự cho phép kéo dài tiến độ, gia hạn thêm 2,5 tháng; làm phát sinh tăng về khoản lãi tiền vay, chi phí tư vấn, chi phí quản lý 9,471 tỷ đồng và 56.971 USD.

Mặc dù vậy, so với tiến độ chung của dự án vẫn chậm 9,5 tháng, trừ số tiền bán điện khi chạy thử, vẫn còn làm phát sinh chi phí là 35.990 triệu đồng và 216.490 USD

Ngọc Tước
.
.
.