Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Những con số vui trước thềm xuân

Thứ Bảy, 09/02/2013, 14:36
Để có được những con số vui trước thềm xuân, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang phải bươn chải đi tới những nơi tận cùng của sự gian khổ, nguy hiểm… Điều ấy, đâu phải ai cũng biết...

1. Chắc chắn rất nhiều người vui mừng, kết thúc năm con Rồng, khó khăn bộn bề như vậy, nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lại đạt mức tăng trưởng ngoạn mục - thậm chí có thể coi là lớn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Đó là niềm vui lớn của ngành Dầu khí Việt Nam trước thềm xuân mới.

Năm qua, Tập đoàn tập trung mọi nguồn lực cho phát triển 5 lĩnh vực sản xuất – kinh doanh chính và cả 5 lĩnh vực đã thành công lớn: Gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 48 triệu tấn dầu quy đổi, vượt 37% kế hoạch năm; khai thác dầu vượt 900 ngàn tấn so với kế hoạch; sản xuất khí đạt trên 9 tỷ mét khối; sản xuất đạm lần đầu đạt trên 1,4 triệu tấn đáp ứng 70% nhu cầu đạm cả nước, tiết kiệm một lượng ngoại tệ lớn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực; sản xuất điện đạt trên 15 tỷ kWh và hoạt động dịch vụ tăng trưởng cao, đạt doanh thu 234 ngàn tỷ đồng, chiếm 30% tổng doanh thu Tập đoàn. Tập đoàn đã nộp ngân sách Nhà nước vượt 51 ngàn tỷ đồng so với kế hoạch.

Công nhân Việt Nam và Venezuela tại giàn khoan PDV-39 (lô Juni-2).

Trong bối cảnh nền kinh tế chung suy giảm, nhưng năm qua, những người lao động dầu khí đã làm nên 10 sự kiện nổi bật mà chúng ta có thể điểm ra đây một số sự kiện rất ấn tượng là:

Công trình nghiên cứu khoa học “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long thềm lục địa Việt Nam” được Chủ tịch nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ;

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt kỷ lục về doanh thu (đạt 772,7 ngàn tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2011) và nộp ngân sách Nhà nước (đạt 186,3 ngàn tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2011, nộp NSNN vượt 51,48 ngàn tỷ đồng so với kế hoạch năm);

Khai thác tấn dầu thô thứ 290 triệu vào ngày 31/5/2012; khai thác mét khối khí thứ 80 tỷ vào ngày 15/10/2012; sản xuất kWh điện thứ 50 tỷ vào ngày 14/10/2012;

Năm đầu tiên Tập đoàn khai thác đạt sản lượng trên 1 triệu tấn dầu/năm ở nước ngoài (1,11 triệu tấn);

Chế tạo, xây lắp và đưa vào vận hành thành công giàn khoan tự nâng đầu tiên của Việt Nam (giàn Tam Đảo 03) – công trình cơ khí trọng điểm Nhà nước;…

Song song với việc thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh năm 2012, Tập đoàn tiếp tục đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia; triển khai hiệu quả Chương trình hành động thực hiện tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, đã tiết giảm được 5.104 tỷ đồng vượt 37,4% so với cam kết 3.715 tỷ đồng.

Bên cạnh sản xuất – kinh doanh, Tập đoàn còn xác định trách nhiệm đóng góp cho công tác an sinh xã hội với trên 600 tỷ đồng. Đồng thời với việc chăm lo đến người lao động trong ngành.

2. Xem kết quả trên, nghe ra có phần nhẹ nhàng quá. Nhưng không mấy người biết rằng, để có một mũi khoan và có được sản lượng dầu thương mại, thì phải có sự đóng góp của… 60 ngành khoa học khác nhau, trong đó, có cả… thiên văn học và vật lý hạt nhân. Để có được một giàn khoan khai thác gian truân và tốn kém lắm. Trên thế giới, người ta tính ước rằng cứ 10 mũi khoan thăm dò, thì may ra mới có 1 mũi thấy dầu. Rủi ro trong ngành thăm dò, khai thác dầu khí còn cao hơn… phóng tàu lên vũ trụ. Với mức phí tổn như vậy, thì chắc chắn ở Việt Nam, không có đại gia nào dám bỏ tiền ra để xây dựng mỏ. Và cũng để chia sẻ rủi ro, các Tập đoàn dầu khí thường liên doanh với nhau để khai thác.

Chính như vậy mà đối với người thợ khoan dầu, phút hồi hộp nhất chính là lúc chờ dòng dầu phun lên từ ống khoan. Tiến sĩ khoa học Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, người đã từng chỉ huy khoan thăm dò, khoan khai thác ở rất nhiều mỏ hàng chục năm qua, cho đến nay, ông vẫn thấy hồi hộp đến mất ăn, mất ngủ, mỗi khi chuẩn bị đón dòng dầu ở một mũi khoan nào đó.

Cũng phải nói thêm rằng Việt Nam là nước khai thác dầu khí có tỷ lệ cao bậc nhất thế giới – lên tới 45-50%. Nghĩa là nếu trữ lượng mỏ được đánh giá là khoảng 100 triệu tấn thì ta “moi” lên được 45-50 triệu tấn. Trong khi đó, ở Iraq là 18%, Kuwait là 20%, Nga 30%, Venezuela là… 12%... Sở dĩ có tỷ lệ cao như vậy là vì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam biết cách kéo dài đời mỏ, biết cách “tận thu”… Thực ra, trên thế giới, chẳng phải người ta không biết làm như vậy, mà chính là mỏ của họ trữ lượng rất lớn, cho nên họ cần lấy dầu càng nhanh càng tốt để giảm chi phí. Khi sản lượng dầu sụt giảm, thấy lãi ít, là họ chấm dứt khai thác.

3. Cũng sẽ có không ít người không khỏi băn khoăn khi thấy cán bộ công nhân của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi làm việc tại nước ngoài có lương cao. Nhưng cũng không mấy người biết rằng ở Tập đoàn, phải đi làm việc ở Venezuela, Algeria và vùng cực Bắc nước Nga… là cả một sự “đày đọa” và hầu như không ai muốn. Ở những nơi này - đặc biệt là tại Venezuela và Algeria, thì sự nguy hiểm luôn thường trực.

Tháng /2012, khi đón dòng dầu của lô Juni-2 ở Venezuela, để chuẩn bị cho Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải xuống dự buổi lễ, tôi cùng một số cán bộ của Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) – một đơn vị chủ lực trong khai thác dầu khí của Tập đoàn – đã đi gần như cả đêm để xuống mỏ trước.

Toàn cảnh mỏ Khosedaiu.

Khi đưa tôi đi từ thành phố Ordaz xuống giàn khoan PDV - 39, anh Lưu Minh Lương, Trưởng phòng Địa chất của Petromacareo (Công ty Liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Venezuela và PVEP) chỉ lo lắng mỗi điều là bị cảnh sát chặn lại. Ôtô chạy buổi tối đường vắng rất hay bị cảnh sát chặn lại và tất nhiên sau đó là những cuộc khám xét chẳng dựa theo một quy định nào cả. Đó là chưa nói tới tình hình an ninh bất ổn ở đây. Anh em dầu khí làm việc ở Venezuela đã không ít người bị cướp thậm chí cả văn phòng cũng bị chúng xông vào, đó là vụ xảy ra vào năm 2010. Có người từng bị chúng cướp đến bốn lần.

“Làm việc ở Venezuela khổ nhất là gì?” – tôi hỏi anh Hồi, người đã ở Venezuela từ những ngày đầu. Anh bảo: “Ở Venezuela khổ nhất đó là phải luôn luôn đối phó với tình trạng mất an ninh trật tự. Cái khổ thứ 2 là giá cả tại đây nhiều thứ thật vô lý. Giá 1kg cải bắp ngang với 1kg thịt bò loại ngon. Giá 1kg gạo đắt gần gấp 10 lần ở Việt Nam. Giá 1 lít nước uống đắt gấp 150 lần lít xăng. Mang một thùng mì ăn liền từ Việt Nam sang bị đánh thuế 100 đô la… Còn giá cả dịch vụ thì lại hãi hùng nữa. Cách đây bốn năm, văn phòng bị hỏng cái máy bơm, gọi được thợ đến sửa thì tiền công đắt gấp rưỡi tiền mua máy bơm mới”.

Khi sang Venezuela, tôi đã được chứng kiến sự cảnh giác cao độ của mọi người mỗi khi đi ra đường. Thậm chí, ngồi trên ôtô, cũng không được hạ kính xuống để… chụp ảnh. Bọn tội phạm ở Venezuela đã nâng trình độ… cướp lên mức… “nghệ thuật”. Có chị cán bộ người Việt sang Venezuela công tác, trên tay đeo chiếc đồng hồ khá đắt tiền. Bị chúng theo từ… sân bay về tới khách sạn. Và khi chị vào thang máy để lên phòng, thì chúng áp sát luôn và cướp trong thang máy. Văn phòng của công ty ở Caracas bị chúng xông vào cướp. Nhưng trước khi rút quân, chúng còn yêu cầu mọi người phải “tuyệt đối im lặng”, để chúng sang “cướp nốt nhà hàng xóm”. Nếu kêu lên, thì chúng sẽ “quay lại” lần sau?

Mỏ Khosedaiu ở khu tự trị Nhenhexki thuộc Liên bang Nga, nơi chỉ cách biển Bắc hơn 200km thì kẻ thù của mọi người ở đây là… muỗi. Muỗi ở đây không có kiểu “mon men, nhẹ nhàng” châm ngòi như muỗi ở ta, mà chúng lao vào cực nhanh và mạnh đến mức ngòi xuyên qua quần áo bảo hộ lao động. Thậm chí nghe thấy cả âm thanh khi chúng đập vào quần áo. Khi xuống mỏ, thấy tôi định ra ngoài bãi cỏ, thì một anh người Nga vội lôi lại. Rồi anh đi lấy cho tôi bộ áo mũ chống muỗi. Vừa tới cách bãi cỏ khoảng một mét, bầy muỗi đói ngửi thấy hơi người bay thốc lên, lao vào… Tôi chỉ còn nước ù té chạy. Bầy muỗi đuổi theo đến cổng thì tản mất, có lẽ vì gió quá mạnh. Khai thác dầu ở nơi mà mỗi năm có… 8 tháng mùa đông, mà lúc lạnh nhất có khi tới 50 độ dưới không thì quả là khủng khiếp. Ở nhiệt độ ấy, hơi thở đóng băng ngay ở lỗ mũi. Nồi nước sôi hắt ra cửa từ trên tầng 2, chưa rơi xuống đất thì đã đóng băng.

Năm 2012, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khai thác được 1 triệu tấn dầu là ở nơi như thế.

Năm 2013, chắc chắn sản lượng dầu khai thác ở Nga, Venezuela, Peru sẽ cao hơn năm trước, và sẽ bù đắp được phần nào do sản lượng dầu khai thác trong nước đang suy giảm dần.

Để có được những con số vui trước thềm xuân, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang phải bươn chải đi tới những nơi tận cùng của sự gian khổ, nguy hiểm… Điều ấy, đâu phải ai cũng biết

N.N.P. (Báo CAND Tết 2013)
.
.
.