Cải cách thủ tục hành chính hải quan và thuế:

Tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp

Thứ Hai, 05/07/2010, 14:17
Năm 2010 là năm đầu tiên thực hiện quyết toán về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân, và thực hiện Luật thuế Tài nguyên môi trường. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện không chỉ doanh nghiệp trong nước mà kể cả doanh nghiệp nước ngoài đều "kêu" về sự phức tạp của các lĩnh vực này. Hiện, "khúc mắc" nhiều nhất là 2 vấn đề mà doanh nghiệp hết sức quan tâm: Thông tư 79/2009-TT-BTC và thuế TNDN…

Ngày 20/9/2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 79/2009-TT-BTC hướng dẫn chung về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; quản lý thuế đối với hàng xuất nhập khẩu thay thế cho các văn bản hiện hành để đảm bảo tính thống nhất và đầy đủ. Thông tư 79 là văn bản bao quát hầu hết các quy định về thủ tục hải quan và quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, khi tiếp cận với Thông tư 79, nhiều doanh nghiệp cho rằng thông tư này chưa quy định rõ về việc xác nhận thực xuất đối với hàng xuất nhập khẩu tại chỗ; Việc xác nhận thực xuất theo quy định tại Thông tư 79 gây khó khăn cho doanh nghiệp do phải đi lại nhiều lần, quãng đường đi lại lại xa, ảnh hưởng đến nộp hồ sơ thanh khoản. Công ty CP sữa Vinamilk cũng nêu ý kiến: Thông tư 79 quyết định cho thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau, nhưng thực tế thì chưa thực hiện…

Còn vấn đề thuế TNDN, với các doanh nghiệp Hàn Quốc thì phần lớn họ quan tâm đến việc công nhận ưu đãi về thuế đối với khoản chênh lệch tỷ giá. Điển hình như câu hỏi của một doanh nghiệp Hàn Quốc: Theo Luật Thuế TNDN sửa đổi 2009 thì những khoản lợi nhuận ngoài hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không được áp dụng ưu đãi về thuế. Do đó, các khoản lãi tiền gửi, chênh lệch tỷ giá, chênh lệch từ chuyển nhượng bất động sản không được áp dụng ưu đãi thuế.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh từ những hoạt động chính của doanh nghiệp như thu hồi trái phiếu hoặc thanh toán công nợ nên có thể coi đó như trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, doanh thu của doanh nghiệp theo luật thuế của Việt Nam được tính theo tiêu chuẩn tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (tỷ giá hiện hành so với tỷ giá bình quân do Ngân hàng Nhà nước quy định khi phát sinh doanh thu chênh lệch 3%). Do đó, dẫn đến tình trạng phải đóng tiền thuế khổng lồ cho khoản chênh lệch tỷ giá (lợi nhuận ngoài hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp) trong khi lợi nhuận trong kinh doanh thì ít.

Đề nghị cơ quan thuế xem xét tính doanh thu của doanh nghiệp theo tỷ giá hiện hành hoặc tính khoản chênh lệch tỷ giá trong quá trình giao dịch phiếu nợ, thu và chi của doanh nghiệp như một phần của hoạt đông kinh doanh và đưa nó vào đối tượng được miễn thuế…

Cải cách thủ tục hải quan sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động thuận lợi. Ảnh: K.Hà.

Liên quan đến những vấn đề phức tạp về thuế, hải quan, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Thông qua đối thoại, Bộ Tài chính muốn lắng nghe những trao đổi thẳng thắn và trách nhiệm từ chính các doanh nghiệp. Điều đó cũng giúp Bộ Tài chính xây dựng, sửa đổi những chính sách thuế cũng như những quy trình thủ tục hải quan, giúp các doanh nghiệp phát triển kinh doanh cũng như thu hút hơn nữa doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, sau hơn 1 năm tổng rà soát, ngày 24/4, Bộ Tài chính cũng đã công bố kết quả giai đoạn I đề án 30 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Triển khai giai đoạn 2 của đề án, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cùng các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện việc rà soát nghiêm túc, đảm bảo mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, phải đảm bảo cắt giảm được chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp với các đề xuất đơn giản hóa như: Loại bỏ các quy định, các giấy tờ, mẫu biểu hồ sơ hay các chỉ tiêu trong các mẫu biểu kê khai… không cần thiết, không hợp lý; thực hiện phân cấp giải quyết các thủ tục hành chính ở các đơn vị cơ sở, nhất là cấp có quan hệ trực tiếp với người nộp thuế, người khai hải quan để rút ngắn trình tự thủ tục và thời gian; áp dụng các biện pháp khác để thay thế các thủ tục hành chính không còn phù hợp, nhất là biện pháp về công nghệ thông tin, khai hải quan điện tử, thuế điện tử, tổ chức lại quy trình nội bộ để bỏ các việc chồng chéo…

T. Hà - T. Ngà
.
.
.