Tăng trưởng GDP năm 2015 tiếp tục được dự báo ở mức 6,5%
- GDP tăng gấp đôi, ô nhiễm môi trường tăng gấp ba
- Cần tính toán chỉ tiêu tăng trưởng GDP phù hợp hơn
- Chỉ số GDP quý I tăng 6,03% là 'con số thực'
- Quốc hội đặt mục tiêu tăng GDP mức 6,2% năm 2015
Theo UBGSTCQG, động lực chính cho tăng trưởng là ngành công nghiệp và xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng qua ở mức 9,57%, cao gần gấp đôi mức tăng của cùng kỳ 2014 (5,75%).
Trong khi đó, tăng trưởng của khu vực dịch vụ hầu như không tăng và của khu vực nông-lâm-ngư nghiệp giảm so với cùng kỳ 2014 (giảm từ 2,94% xuống 2,08%). Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng cũng tăng 9,8%, cao hơn nhiều so với mức 6,3% của cùng kỳ năm 2014; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,2% (so với mức 8,2% của cùng kỳ 2014). Chỉ số PMI bình quân 8 tháng đạt 52,3 điểm, là mức cao trong ba năm qua.
Xuất khẩu tăng trưởng khá, nhất là xuất khẩu ngoài dầu. Kim ngạch xuất khẩu chín tháng tăng 9,6% so với cùng kỳ 2014, cao hơn nhiều mức tăng xuất khẩu ước tính cho năm 2015 của thế giới (5,1%) cũng như của ASEAN-5 (8,0%) và Trung Quốc (6,8%). Đáng chú ý, tình hình doanh nghiệp (DN) và đầu tư tư nhân tiếp tục cải thiện.
Tăng trưởng phục hồi tốt, cũng khuyến khích tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng, loại trừ yếu tố giá, ước tăng 9,1% (cùng kỳ năm trước tăng 6,4%), mức cao nhất so với cùng kỳ trong năm năm gần đây. Cơ quan này cũng nhận định lạm phát thấp và ổn định. Mặc dù trong tháng 9 lạm phát (so cùng kì năm trước) giảm xuống 0%, nhưng lạm phát cơ bản vẫn ở mức 2,4%, là mức ổn định của lạm phát cơ bản trong suốt 7 tháng gần đây. Căn cứ diễn biến của giá dầu, UBGSTCQG giảm dự báo lạm phát năm 2015 xuống dưới 2%.
Tại báo cáo của mình, UBGSTCQG đã có thêm dự báo về triển vọng kinh tế năm 2016. Theo đó, cơ quan này cho rằng về tăng trưởng kinh tế, Việt Nam có nhiều thuận lợi như xuất khẩu có khả năng tăng trưởng khá hơn nhờ vào: kinh tế thế giới trong năm 2016 dù có nhiều bất trắc nhưng được dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn so với 2015; giá hàng hóa thế giới dự báo phục hồi trong năm 2016; tác động của hiệp định thương mại giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. IMF cũng dự báo xuất khẩu hàng hóa của thế giới sẽ tăng từ 3,8% (2015) lên 4,7% (2016), của nhóm các nước châu Á đang phát triển và mới nổi tăng từ 6,5% lên 6,7%.
Bên cạnh đó, cơ hội từ dòng vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) rút khỏi thị trường Trung Quốc, tìm đến những nền kinh tế đang phát triển ổn định hơn, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, tiêu dùng phục hồi tốt hơn nhờ lạm phát thấp và hoạt động sản xuất kinh doanh cải thiện. Chương trình tái cơ cấu kinh tế và cải cách thể chế thông qua một loạt các bộ luật sửa đổi (Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Phá sản, Luật Đầu tư công,...) và các biện pháp cải cách hành chính sẽ làm tăng niềm tin của nhà đầu tư, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích đầu tư tư nhân.