Tăng thuế tài nguyên: Hài hòa lợi ích của Nhà nước và DN

Thứ Năm, 17/09/2015, 08:33
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung Nghị quyết 712 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên vừa được đưa ra lấy ý kiến đã gây nhiều tranh luận trái chiều. Phía doanh nghiệp (DN) cho rằng, việc tăng thuế là tận thu quá mức ảnh hưởng tiêu cực tới DN, trong khi cơ quan soạn thảo khẳng định, tăng thuế để tăng thu ngân sách và bảo toàn khai thác tài nguyên bền vững.

Doanh nghiệp kêu khó

Theo Dự thảo nghị quyết do Bộ Tài chính soạn thảo, hầu hết mức thuế suất các loại khoáng sản đều được điều chỉnh tăng từ 2% đến 12%. Trong đó, nhóm khoáng sản kim loại được đề xuất cụ thể như đối với sắt áp dụng khung thuế suất 7-20% so với thuế suất hiện hành là 12%; titan có khung thuế suất 7-20% so với thuế suất hiện hành là 16%; vàng áp khung thuế suất 9-25% so với thuế suất hiện hành là 15%; wonfram và antimoan: khung thuế suất là 7-25%, thuế suất hiện hành là 18%; đồng áp khung thuế suất 7-25%, thuế suất hiện hành là 13%...

Bên cạnh đó, khung thuế suất thuế tài nguyên đề xuất đối với nhóm khoáng sản không kim loại, trong đó đáng chú ý đối với than antraxit hầm lò và than khác là 4-20% so với thuế suất hiện hành 7%; đối với than antraxit và than nâu, than mỡ 6-20% so với thuế suất hiện hành là 9%...

Tăng thuế, đồng nghĩa với việc các DN khai thác tài nguyên sẽ phải “nghiêng hầu bao” của mình để rót thêm tiền vào ngân sách Nhà nước (NSNN). Câu chuyện xung đột quyền lợi diễn ra và trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết tại hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Nghị quyết về thuế suất thuế tài nguyên.

Ông Evan Spenser, Tổng Giám đốc Công ty Mỏ Niken Bản Phúc, cho biết, DN này đã đầu tư 130 triệu USD vào Việt Nam từ năm 2007, và đến năm 2014 thì khai thác được lô sản phẩm đầu tiên. Tuy nhiên, trong thời gian này, các thuế suất và các loại thuế, phí mới được ban hành đều đã tăng cao. So với thời điểm quyết định đầu tư giai đoạn 2007-2014, tổng số thuế phải nộp đã tăng thêm 76 triệu USD so với tính toán ban đầu. Công ty này cho biết đã lỗ 35 triệu USD do giá thay đổi và chính sách thuế thay đổi.

Tài nguyên khoáng sản đang bị khai thác một cách lãng phí.

Thuế tăng, ngay cả “đại gia” khai thác khoáng sản như Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng lo lắng. Ông Nguyễn Văn Biên, Phó TGĐ Vinacomin cho rằng việc điều chỉnh tăng này là chưa phù hợp với thực tế hoạt động của DN trong thời gian gần đây. 

Theo ông Biên, trong vòng 4 năm trở lại đây, sản lượng khai thác than chỉ đạt khoảng 300 triệu tấn mà không hề tăng. Nếu vẫn tiếp tục tăng thuế tài nguyên, rất có thể sẽ gây ảnh hưởng tới sản lượng khai thác than của các DN. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, nhiều DN khai thác than và khoáng sản đang rất khó khăn. Nếu thuế tài nguyên được phê duyệt tăng như mức nêu trong dự thảo thì chỉ sau một năm thực hiện, DN sẽ không còn lợi nhuận.

Ông Nguyễn Cảnh Nam, đại diện Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam cũng cho rằng, chính sách thuế, phí với khoáng sản ở Việt Nam đang ở mức “cao nhất thế giới”. Đáng lo ngại là trong các thuế, phí, có những khoản thu trùng lắp theo kiểu phí chồng phí, thuế trùng thuế như tiền cấp quyền khai thác, khiến DN khó có thể chịu được. Ông Nam cho rằng, tăng thuế chỉ giúp tăng thu trước mắt, còn về lâu dài, thu ngân sách sẽ giảm vì DN làm ăn thua lỗ.

Điều chỉnh thuế để đảm bảo thu ngân sách

Từ phía cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính cho rằng, mức thuế suất tài nguyên hiện hành chưa góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Đặc biệt, việc khai thác chế biến một số khoảng sản kim loại chưa áp dụng các công nghệ tiên tiến, chưa chế biến sâu khoáng sản, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế phân tích: Với nhóm khoáng sản kim loại - đây là loại tài nguyên không tái tạo, có giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, việc khai thác một số khoáng sản kim loại vẫn chưa hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên; đa số các khoáng sản kim loại chưa được chế biến sâu. Với nhóm khoáng sản không kim loại, việc khai thác, sử dụng vẫn chưa hiệu quả, gây lãng phí nguồn tài nguyên (như đá hoa trắng, cát, đá, sỏi ...); một số loại khoáng sản không kim loại cần phải hạn chế khai thác để đảm bảo sản xuất trong nước hoặc sử dụng các sản phẩm thay thế (như than, gờ-ra-nít, đất làm gạch...).

Còn với nhóm nước thiên nhiên, nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, trong khi tình trạng khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước còn lãng phí, hiệu quả sử dụng nước thấp, thiếu bền vững gây suy giảm nguồn tài nguyên nước. Vì vậy, để góp phần bảo vệ, khai thác tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc nghiên cứu điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên là một trong những giải pháp cần thiết, có tính khả thi.

Thúy - Hiệp
.
.
.