Tăng thuế bảo vệ môi trường không làm tăng giá xăng dầu

Thứ Năm, 16/04/2015, 08:13
Đó là khẳng định của Bộ Tài chính tại buổi họp báo diễn ra sáng 15/4. Bộ Tài chính cho biết, song song với việc tăng thuế bảo vệ môi trường, cơ quan này đã có quyết định giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. Vì có sự tương tác với nhau: bên tăng, bên giảm, nên không ảnh hưởng gì đến giá xăng dầu.

Theo quy định, kể từ ngày 1/5/2015, mức thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng xăng dầu sẽ chính thức điều chỉnh tăng gấp 3 lần so với mức hiện hành. Cụ thể, mặt hàng xăng, nhiên liệu bay sẽ điều chỉnh tăng từ 1.000 đ/lít lên 3.000 đ/lít; mặt hàng dầu diezel tăng từ 500 đ/lít lên 1.500 đ/lít; mặt hàng dầu mazut tăng từ 300 đ/lít lên 900 đ/lít; mặt hàng dầu hoả giữ nguyên mức thuế là 300 đ/lít.

Bộ Tài chính cho biết việc tăng thuế bảo vệ môi trường là nhằm ứng phó với tình hình giá mặt hàng dầu thô và các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trong xu hướng giảm và duy trì ở mức thấp; khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học sản xuất trong nước; đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân khi giá dầu trên thị trường thế giới giảm và thực hiện cam kết quốc tế về thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu.

Cùng với việc tăng thuế bảo vệ môi trường, ngày 14/4, Bộ Tài chính đã chính thức giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, mặt hàng xăng RON 92/95: giảm từ 35% xuống mức 20% (giảm 15%); mặt hàng dầu diezel: giảm từ 30% xuống 20% (giảm 10%); mặt hàng dầu hoả: giảm từ 35% xuống 20% (giảm 15%); mặt hàng dầu mazut: giảm từ 35% xuống 25%; mặt hàng nhiên liệu bay: giảm từ 25% xuống 10%.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng sinh học (E5, E10), dầu sinh học (B5, B10) thống nhất với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của mặt hàng xăng, dầu khoáng là 20% nhằm khuyến khích sản xuất, phối trộn và tiêu dùng nhiên liệu sinh học trong nước.

Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, ngân sách tăng thu 10.831 tỷ đồng.

Trả lời về tác động của việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với giá bán lẻ xăng dầu, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: Thuế bảo vệ môi trường và thuế nhập khẩu xăng dầu là hai sắc thuế có quan hệ tương tác với nhau trong khi tính giá cơ sở của mặt hàng này. Do vậy, việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu cùng với việc giảm thuế bảo vệ môi trường được Bộ Tài chính thực hiện trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến giá của xăng dầu.

Điều này cũng đã từng được Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ được tổ chức cách đây không lâu. Bà Mai nói: Mục đích của thuế bảo vệ môi trường là điều chỉnh sản xuất tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường, chống gây ô nhiễm, khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm... Khi áp thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính sẽ tính toán linh hoạt sử dụng công cụ quỹ bình ổn, chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp để cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ trong nước.

Bộ Tài chính cũng cho biết thêm: khi giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, tính từ ngày giảm (14/4) đến cuối năm, căn cứ vào lượng xăng dầu nhập khẩu, trên cơ sở khấu trừ thuế, ngân sách Nhà nước sẽ giảm thu khoảng 13 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, việc tăng thuế bảo vệ môi trường lại giúp cho ngân sách Nhà nước tăng thêm được khoảng 10.831 tỷ đồng.

“Hiện chúng tôi vẫn đang theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, trên cơ sở đó sẽ đề xuất chính sách phù hợp, chứ chưa có lộ trinh cụ thể về việc điều chỉnh thuế sau này, vì nó gắn chặt với điều hành kinh tế vĩ mô”, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cho biết

Tuy nhiên, trước các quyết định này, có ý kiến cho rằng, thời điểm điều chỉnh của Bộ Tài chính là chưa hợp lý, vì việc giảm thuế nhập khẩu được thực hiện trước khi tăng thuế bảo vệ môi trường tới 15 ngày. Quãng thời gian nửa tháng này sẽ giúp các doanh nghiệp xăng dầu được hưởng lợi. Tuy nhiên, phía Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh này là để hài hòa lợi ích và các doanh nghiệp xăng dầu không được hưởng lợi như suy đoán.

Hiện, mặc dù thời gian điều chỉnh giá xăng dầu là 15 ngày, nhưng theo quy định, các thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng. Thời gian “om” xăng này khiến cho doanh nghiệp phải chịu “chôn” một khoản tiền nhất định, thêm vào đó, thuế nhập khẩu nộp ngay khi doanh nghiệp nhập hàng vào cửa khẩu, còn thuế bảo vệ môi trường thì doanh nghiệp khai và nộp khi bán ra nên hoàn toàn không được hưởng lợi từ việc giảm sớm, tăng muộn của các loại thuế nói trên.

Sẽ giải quyết “nỗi lo” của Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Thời gian qua, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Cục Thuế Quảng Ngãi nêu khả năng phải đóng cửa do thuế giảm theo lộ trình hội nhập kinh tế cho các mặt hàng xăng dầu. Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn cho rằng, theo các thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn mức thuế đối với các hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc... đã đưa ra các mức thuế ưu đãi đặc biệt thấp hơn mức công ty đang hưởng. Công ty này lo ngại, mức chênh lêch thuế trên khiến sản phẩm của công ty có giá cao hơn sản phẩm nhập từ ASEAN tới 1.469 đồng/lít (với xăng A92)... trong năm 2015.

Và kéo theo đó là việc các doanh nghiệp ký hợp đồng với Công ty Bình Sơn sẽ từ chối không nhận hàng do sản phẩm của Bình Sơn không cạnh tranh được về giá. Vì vậy, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn đề nghị Bộ Tài chính có chính sách thuế phù hợp để đảm bảo sản phẩm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cạnh tranh được tại thị trường trong nước.

Về vấn đề này, ông Phạm Đình Thi khẳng định: “Bộ Tài chính cho phép giảm thuế nhập khẩu với xăng, dầu xuống 20-25%. Cụ thể, thuế nhập khẩu mặt hàng xăng giảm về mức 20% nên vấn đề lo ngại của Dung Quất về cơ bản được giải quyết”.

Lệ Thúy
.
.
.