Tăng động lực cho nền kinh tế, tránh FDI vào để “giữ chỗ”

Chủ Nhật, 03/11/2019, 07:07
Đây là chủ đề chính được các chuyên gia bàn luận tại hội thảo “Động lực cho kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 30-10 tại Hà Nội. 


Hội thảo nhằm đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô 9 tháng năm 2019 và bàn về những động lực cho phát triển kinh tế những tháng còn lại của năm và năm 2020.

TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, nhờ những chính sách hợp lý, kinh tế Việt Nam những tháng qua đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ tương đối cao so với các nước trong khu vực.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đều nhấn mạnh tới việc tăng trưởng kinh tế sẽ giảm bớt phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định, FDI vẫn luôn được xem là động lực tăng trưởng liên tục của Việt Nam trong 30 năm qua và những năm tiếp theo. Hiện tỷ trọng đóng góp vào tổng đầu tư xã hội của khối FDI khoảng 22-23% (gần 20% GDP), 75-77% còn lại là của doanh nghiệp trong nước.

Các cơ quan quản lý phải quản lý dòng vốn FDI, không cho vào quá ngưỡng hấp thụ của Việt Nam.

TS. Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng thì cần những giải pháp thiết thực như tận dụng hết cơ hội để xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu dùng, đẩy mạnh tốc độ cổ phần hoá… Nên cơ cấu lại sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, cải cách thể chế, tìm ra phương thức quản lý, phân tích kinh tế, thị trường, phải chuyển từ số lượng sang chất lượng và cách thức quản lý như thế nào để hiệu quả hơn… từ đó tìm được động lực dài hơi hơn.

Vì thế, trong giai đoạn hiện nay, tăng trưởng kinh tế cần ít dựa vào FDI hơn và tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới. GS. Nguyễn Mại cho biết, trong FDI, hiện xu hướng mua bán sáp nhập (M&A) đã bước vào giai đoạn nở rộ với nhiều cơ hội mới.

Trong khi giai đoạn 2014-2017, quy mô thị trường M&A Việt Nam vào khoảng 5 tỷ USD, giai đoạn 2017-2019 đã lên khoảng 7 tỷ USD. Nguyên nhân bởi thị trường vốn Việt Nam hiện nay đang rất hấp dẫn, nếu không có thị trường mở, đặc biệt chủ trương nới room, sửa Luật Chứng khoán thì sẽ không có những thương vụ M&A lớn như vụ nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư 1 tỷ USD vào Vingroup.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu không có sự sàng lọc tốt và kịp thời, các dự án FDI khó mang lại hiệu quả cao như kỳ vọng; thậm chí có thể gây ra hiện tượng các dự án “núp bóng” gây ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, môi trường… Vì thế, các cơ quan quản lý phải quản lý dòng vốn FDI, không cho vào quá ngưỡng hấp thụ của Việt Nam, tránh để FDI vào chỉ để “giữ chỗ”.

Để duy trì động lực cho tăng trưởng, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa, thu hút nguồn lực nhiều hơn nữa để đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn. Tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô; và trực tiếp hỗ trợ hợp lý đối với tăng trưởng kinh tế.

Xem xét, bãi bỏ các rào cản, thủ tục hành chính bất hợp lý, đơn giản hóa, hợp lý hóa các các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường; tạo thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân xây dựng năng lực sản xuất kinh doanh mới cho nền kinh tế. Đẩy nhanh giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Lưu Hiệp
.
.
.