Tạm “đóng cửa” 3 cơ sở xả thải xuống sông Lạch Tray

Thứ Bảy, 25/10/2008, 19:01
Tiếp sau hàng chục cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) ở quận Lê Chân xả thải trực tiếp ra môi trường, bị xử phạt hành chính, mới đây, Cảnh sát môi trường Hải Phòng lại đột kích, phát hiện và yêu cầu tạm dừng hoạt động 3 cơ sở sản xuất giấy và bột giấy tại địa bàn 2 quận Dương Kinh và Ngô Quyền xả thải trực tiếp các chất độc hại ra sông Lạch Tray. Thực trạng này cho thấy, công tác "hậu kiểm" về môi trường ở Hải Phòng đang bị… thả nổi.

Sông hay "ao nhà"?

Chảy men theo nội đô Hải Phòng, ngoài sông Tam Bạc, còn có sông Lạch Tray. Hai dòng sông này không chỉ thơ mộng, làm giảm đi không khí ồn ã của một thành phố công nghiệp, mà còn được ví như là "lá phổi" của TP Cảng Hải Phòng. Vậy mà những năm gần đây, cả 2 "lá phổi" này đang bị teo tóp dần.

Nguyên do một phần bởi hành vi lấn chiếm của không ít cơ quan, doanh nghiệp đối với hành lang đê điều và hành lang thoát lũ của sông.

Phần khác, chính yếu hơn, đó là do hàng trăm cơ sở SXKD trong khu vực đã bất chấp các quy định về bảo vệ môi trường, ngang nhiên xả trực tiếp xuống sông hàng nghìn m3 nước thải có chứa nhiều hoá chất độc hại mỗi ngày.

Tại khúc sông Lạch Tray thuộc địa bàn phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân. Sự sống của khúc sông với sự tuần hoàn của dòng chảy dường như không còn theo quy luật, mà biến thành "ao tù". Bởi, ngay cạnh bờ sông có đến hơn 10 lò mổ thi nhau tống nước thải chưa qua xử lý, xuống sông.

Thậm chí, hàng chục doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Vĩnh Niệm, trong đó có cả những nhà máy chế biến thủy sản, rau câu cỡ lớn gần đó cũng ngang nhiên xả hàng trăm m3 nước thải chưa qua xử lý xuống dòng sông này mỗi ngày, khiến nước sông đổi màu, bốc mùi tanh nồng, rất khó chịu.

Tương tự, cũng sông Lạch Tray, đoạn thuộc phường Anh Dũng, quận Dương Kinh và phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, mới đây lực lượng Cảnh sát môi trường - Công an TP Hải Phòng lại kiểm tra, phát hiện 3 cơ sở sản xuất giấy và bột giấy xả chất thải có chứa nhiều chất độc hại, không qua xử lý xuống sông. Đó là Công ty TNHH Xuân Tiến, HTX bao bì Hoàng Minh (đều ở phường Anh Dũng) và Xí nghiệp Sản xuất giấy Đức Giang, ở đường Thiên Lôi, phường Đằng Giang.

Cả 3 doanh nghiệp này thừa nhận đã vi phạm về việc sử dụng nguyên liệu sản xuất gồm giấy vụn, tre nứa và các hoá chất độc hại để tẩy rửa. Và, để trục lợi, các doanh nghiệp này đều cắt bỏ các chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nước mưa tràn mặt, nước ngâm tre nứa có chứa các hoá chất tẩy rửa độc hại… xả nước thải trực tiếp xuống sông Lạch Tray, còn khí thải thì xả trực tiếp… lên trời (!?).

Riêng chất thải rắn cùng các chất thải nguy hại khác, được thu gom, đốt thành tro, nhưng không phải xử lý chôn lấp, mà cũng tống cả xuống sông biến sông thành "ao nhà" để chứa các loại chất thải của doanh nghiệp.

Công tác "hậu kiểm" đang bị thả nổi

Có một thực tế, tình trạng SXKD gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư ở Hải Phòng không phải bây giờ mới xảy ra mà đã kéo dài hàng chục năm nay. Ai cũng biết, cũng thấy. Đặc biệt, các cấp chính quyền, các nhà quản lý và cơ quan cấp phép càng thấy rõ hơn. Nhưng không hiểu sao, hoạt động SXKD gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp này vẫn cứ tiếp diễn?

Đơn cử như Công ty TNHH Xuân Tiến ở phường Anh Dũng, quận Dương Kinh. Theo khai nhận, xí nghiệp này hoạt động từ năm 1992 và cũng từ bấy đến nay, chất thải trong quá trình sản xuất giấy, không có hệ thống xử lý, xả ào ào ra môi trường sông Lạch Tray, nhưng không hề có bất cứ cơ quan nào tới giám sát hay nhắc nhở. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn có giấy cam kết về bảo vệ môi trường và được địa phương xác nhận hẳn hoi (!?).

Thậm chí, có doanh nghiệp như: Xí nghiệp Sản xuất giấy Đức Giang ở phường Đằng Giang, ngoài công khai xả chất thải chưa qua xử lý xuống sông Lạch Tray, doanh nghiệp này còn ngang nhiên chiếm dụng hành lang bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ sông Lạch Tray, bất chấp hậu họa có thể gây ra cho sức khoẻ cộng đồng cũng như tính mạng và tài sản của người dân trong mùa bão lũ.

Đáng nói, những hành vi vi phạm này của Xí nghiệp giấy Đức Giang diễn ra cũng đã trên 10 năm nay, nhưng doanh nghiệp vẫn "qua mặt" được các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại. Thậm chí, doanh nghiệp còn được "che chắn" bởi giấy phép đăng ký kinh doanh được cấp ngay trên mặt bằng thuộc hành lang bảo vệ an toàn tuyến đê tả Lạch Tray, bất chấp những lời cầu cứu của hàng vạn cư dân sống trong khu vực cùng sự phản ứng quyết liệt của Chi cục QLĐĐ&PCLB TP Hải Phòng.

Như vậy có thể khẳng định, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở SXKD ở các khu vực dân cư thuộc nội thành Hải Phòng đang gia tăng, với mức độ ngày càng nghiêm trọng và thách thức.

Trong khi hầu hết các doanh nghiệp "cắm chốt" tại các khu dân cư, nhưng lại tảng lờ các quy định, ngang nhiên xả chất thải bừa bãi, chưa qua xử lý ra môi trường thì, việc kiểm tra, giám sát hoạt động này của doanh nghiệp, dường như lại bị bỏ ngỏ.

Có chăng chỉ là sự kiểm tra định kỳ, "cưỡi ngựa xem hoa", phạt cho… tồn tại. Do đó, đã không có tác dụng răn đe, phòng ngừa, thậm chí kỷ cương, luật pháp còn bị xem thường.

Bởi vậy, để lập lại trật tự kỷ cương và cũng là để tránh phải trả giá đắt do hành vi xâm hại môi trường gây ra tại các khu vực dân cư ở Hải Phòng, theo chúng tôi, ngoài việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường chung cho cộng đồng, TP Hải Phòng cần tập trung làm tốt khâu "hậu kiểm".

Nghĩa là các đơn vị SXKD, dù ở trong hay ngoài khu công nghiệp, sau khi cấp phép hoạt động, phải được giám sát chặt chẽ về mặt môi trường. Kiên quyết xử lý thật nghiêm, không dung túng những cá nhân, tập thể vi phạm.

Có như vậy, mới nâng cao được ý thức trách nhiệm và mới không tạo tiền lệ xấu để lợi dụng, xâm hại, góp phần bảo vệ môi trường sống một cách bền vững

Lệ Thu
.
.
.