Khai thác đá ở Thượng Lâm (Cam Lộ, Quảng Trị)

Tai họa luôn rìrh rập

Thứ Hai, 16/03/2009, 08:44
Riêng năm 2008 không có người chết, còn lại từ hàng chục năm nay, năm nào cũng có người chết; số người bị thương cụt tay, cụt chân và mất sức thì rất nhiều. Sau chết người ta bồi thường là xong(!).

Còn năm này qua năm khác, cứ sau những lần bà con và chính quyền kiến nghị, thi thoảng người ta mới có xử lý nhưng theo kiểu đối phó. Nạn khai thác đá ở Thượng Lâm cứ thế tồn tại, hoạt động, gây ra rất nhiều hậu quả", ông Đoàn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành, huyện Cam Lộ chua chát nói.  

Sau cái chết thương tâm của hai công nhân khai thác đá ở Thượng Lâm (Cam Thành) chiều 8/3, hoạt động khai thác đá ở đây không vì thế chùng xuống. Sáng 10/3, tôi có mặt tại Thượng Lâm lúc gia đình các nạn nhân làm đám, chôn cất người chết.

Ông Nguyễn Chí, Trưởng thôn Thượng Lâm buồn bã cho biết: "Khoảng 12h trưa 8/3, nhóm công nhân 8 người của Công ty TNHH một thành viên Đông Trường Sơn khoan và nổ mìn khai thác đá tại lèn đá số 4 trên địa bàn thôn gặp nạn. Anh Nguyễn Trọng Sang (41 tuổi) bị đá lăn trúng người, làm rơi từ độ cao gần 200m xuống chân núi chết tại chỗ.

Còn anh Phùng Thế Hải (40 tuổi) bị đá đè giữa lưng chừng núi, được cứu ra ngoài nhưng đã chết sau đó ít phút. Cả hai anh đều là người làng Thượng Lâm, làm thuê cho các công ty khai thác đá trên địa bàn từ hơn 10 năm nay. Họ chết để lại con nhỏ và vợ không có việc làm, hoàn cảnh rất khó khăn".

Thôn Thượng Lâm có 245 hộ dân với gần 1 nghìn nhân khẩu, trong đó phần lớn lao động đều làm việc cho các công ty khai thác đá dưới 2 hình thức là công nhân và hợp đồng theo thỏa thuận lao động. Ông Chí cho biết, đây là nghề rất nguy hiểm, từ hàng chục năm nay, số người chết và bị thương rất nhiều, còn suýt chết thì không kể hết được.

Tai nạn thường xảy ra đối với số công nhân khoan và nổ mìn... Thầy giáo Lê Xuân Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, thôn Thượng Lâm kể: "Năm 2007, trên đường đi dạy về nhà, đoạn gần mỏ đá do Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Quảng Trị đang khai thác (sát QL9, ở khu vực trung tâm thôn Thượng Lâm) thì dừng lại cách đó rất xa, nhưng không may một tảng đá lớn bắn trượt qua mũ bảo hiểm, găm vào bụng, khiến tui phải nằm viện Trung ương Huế hơn 1 tháng. Thế nhưng, Công ty trên không tự chịu bồi thường, mà bắt số công nhân làm việc hôm đó góp tiền lại bồi thường. Thấy thế, tôi không nhận vì họ đều là người làng, làm thuê kiếm được cái ăn đã rất vất vả".

Đề cập tới vấn đề an toàn lao động, các đơn vị khai thác đá trên địa bàn Thượng Lâm đều trả lời tỉnh bơ rằng, họ khai thác là có giấy phép của chính quyền và ngành chức năng cấp, người lao động được tuyển dụng vào làm công việc khoan và nổ mìn xử lý đá đều có chứng chỉ hành nghề, số khác do bà con thỏa thuận lao động! Trong trường hợp không may xảy ra tai nạn thì người bị tai nạn được bồi thường theo cam kết ban đầu(!?).

Ông Nguyễn Chí, Trưởng thôn Thượng Lâm cho biết, các đơn vị khai thác, chế biến đá ở Thượng Lâm đều nằm trong khu vực dân cư. Từ hàng chục năm nay, người dân ở đây ngày đêm phải sống chung với bụi đá...

Kết quả khám sức khỏe mới đây của y tế địa phương cho thấy có hơn 80% phụ nữ thôn Thượng Lâm mắc phải bệnh phụ khoa do ảnh hưởng xấu của nguồn nước. Số người mắc bệnh về xoang, thận, phổi thì nhan nhản, hơn 95%.

Tội nghiệp hơn cả, trên 200 em học sinh Trường Mầm non Họa Mi và Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện bị bao bọc xung quanh bởi các mỏ đá, trạm nghiền đá, thường xuyên chịu tiếng ồn và hít phải bụi đá.

Ông Đoàn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành cho hay, số công ty khai thác, chế biến đá trên địa bàn Thượng Lâm tăng qua hằng năm, hiện tại có ít nhất 7 đơn vị, gồm Công ty TNHH Minh Hưng, Công ty cổ phần Thiên Tân, Công ty cổ phần Tân Hưng...

Người dân Thượng Lâm, chính quyền xã Cam Thành đã rất nhiều lần kiến nghị ngành chức năng và cấp trên, song các đơn vị khai thác, chế biến đá chỉ xử lý theo kiểu đối phó

Phan Thanh Bình
.
.
.