Tái cơ cấu kinh tế: Tăng cường sức cạnh tranh trong hội nhập

Thứ Sáu, 18/12/2015, 08:24
Đây là nội dung chủ yếu được các chuyên gia phân tích trong hội thảo “Báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế 2011 - 2015 hướng đến xây dựng đề án tái cơ cấu 2016 – 2020” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 17-12. Đây là những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng tăng trưởng và trình độ phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế, với nhiều thách thức mới…

Trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ chủ trương và tiến hành triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, với trọng tâm là bảo đảm an toàn hệ thống tài chính-ngân hàng, nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ vốn bằng cách áp dụng những biện pháp ổn định vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài khóa và lãi suất hợp lý. Kết quả là, mức lạm phát đã được kiểm soát chặt chẽ và đưa xuống mức thấp, tạo ra điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) tăng trưởng và đời sống dân sinh.

Tiếp theo là tái đầu tư công nhằm đổi mới cơ chế và cách thức huy động, quản lý và sử dụng vốn nhà nước. Theo đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 11 cùng các chỉ thị liên quan kết hợp chủ động tăng cường hoạt động đấu thầu để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Đặc biệt, các cấp đồng loạt thực hiện nội dung chấm dứt đầu tư dàn trải, khắc phục tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, nhất là gắn trách nhiệm quyết định đầu tư với cá nhân người ra quyết định…

Đánh giá chung về giai đoạn trên, các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, gồm: ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh được cải thiện liên tục, lạm phát thấp, mức tăng trưởng GDP có xu hướng tăng dần qua các năm… Song, thực tế cũng bộc lộ một số hạn chế không thể xem thường, như: tái cơ cấu đầu tư công chưa cải thiện rõ rệt, việc xử lý nợ xấu kéo dài, chưa tách hết chức năng chủ sở hữu ra khỏi công tác quản lý, vẫn còn tư duy ưu đãi đối với DN nhà nước…

Ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Kinh tế Vĩ mô (CIEM) cho rằng, sở dĩ phải thực hiện tái cơ cấu kinh tế bởi sau nhiều năm vận hành theo tư duy, cách quản lý cũ, nền kinh tế đã đứng trước nguy cơ tụt hậu rõ ràng, nhất là nếu so sánh với các nước láng giềng. Đơn cử, nếu mức tăng trưởng trung bình là 5%/năm thì đến năm 2035 GDP bình quân đầu người của ta chỉ bằng 75% của Trung Quốc và bằng 83% của Thái Lan. Tuy nhiên, vấn đề còn nan giải hơn bởi nguồn lực Nhà nước cũng ngày càng hạn chế, gây ra thâm hụt ngân sách và khiến tỷ lệ nợ công tăng cao.

Hiện, nhiều chuyên gia đang tỏ ra lo ngại về tốc độ gia tăng nợ cao có xu hướng diễn ra nhanh chóng hơn so với các năm trước. Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng nhìn chung vẫn tụt hậu, thiếu đồng bộ về đường sá, cảng hàng không, năng lượng… nên chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

Trước thực tế và diễn biến trên, bước vào giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế tiếp tục đối diện với một số thách thức. Việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 sẽ được đặt ra nhằm xử lý các vấn đề tồn tại cũng như thỏa mãn các yêu cầu, mục tiêu quan trọng để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường sức cạnh tranh và bảo đảm hội nhập thành công. Đó là, nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN dân doanh, tạo thị trường việc làm, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư… Chính phủ đứng trước cơ hội, sự lựa chọn để quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và đưa nền kinh tế hoạt động theo cơ chế  thị trường đầy đủ…

Lưu Hiệp
.
.
.