Tái cơ cấu đầu tư công: Mới chỉ giải quyết được phần ngọn

Thứ Hai, 10/11/2014, 10:35
Mặc dù quá trình tái cơ cấu đầu tư công đã thực hiện được ba năm với một số thành công bước đầu. Tuy nhiên, tái cơ cấu đầu tư công hiện chỉ giải quyết phần ngọn, chứ chưa giải quyết phần gốc của vấn đề.

Nguyên nhân sâu xa gây lãng phí và kém hiệu quả của đầu tư công là trình trạng đầu tư thiếu hiệu quả, đầu tư dàn trải  theo tư duy tăng trưởng bằng mọi giá vẫn còn tồn tại; cơ chế phân cấp đầu tư vẫn đang được thực hiện theo kiểu “khoán trắng” cho các địa phương dẫn đến tình trạng không kiểm soát được cả về số lượng lẫn chất lượng dự án đầu tư. Đó là những khuyến cáo được các chuyên gia kinh tế đưa ra trong Hội thảo“Giải pháp tái cơ cấu đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình trăng trưởng” do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 7/11. 

Theo TS Đinh Trọng Thắng, đầu tư công không phải là vấn đề riêng của Việt Nam nên không chỉ Việt Nam mới phải quản lý đầu tư công, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng kinh nghiệm của các nước trong vấn đề này. Trong đó, về nguyên tắc, thể chế quản lý đầu tư công là yếu tốt then chốt để tái cơ cấu đầu tư công. Tuy nhiên, khi soi xét vào thể chế đầu tư công tại Việt Nam, đã thấy phát sinh nhiều vấn đề bất ổn. Ví dụ như, nhiều dự án không theo quy hoạch; cơ chế đầu tư công đang được khoán trắng cho các địa phương dẫn đến tình trạng không kiểm soát được cả tiến độ, số lượng cũng như hiệu quả đầu tư. Hệ quả là chưa tạo được sự đồng thuận của xã hội; đầu tư công không hiệu quả thì sẽ tăng nợ công, tăng thuế, tăng gánh nặng cho lĩnh vực tư nhân, nguồn thu từ tài nguyên thì không ổn định, có thể tăng bất ổn xã hội.

Tương tự, TS Đoàn Hồng Quang, đại diện của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra ba vấn đề lớn, cũng là ba bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công tại Việt Nam. Theo TS. Quang, điểm đáng lưu ý thứ nhất là đầu tư công tại Việt Nam luôn luôn bị các nhà chính khách lạm dụng, vì muốn tận dụng để ảnh hưởng tới hoạt động chính trị của họ. Kết quả là có nhiều dự án đầu tư công tại các địa phương được đưa ra ngay trong họp thường vụ nên hiệu quả đầu tư thấp vì vội vã, chủ quan. Thứ hai, đầu tư công là vấn đề đa mục tiêu, nên khó chỉ ra cái nào hiệu quả hơn cái nào, có cả mục tiêu xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa dẫn đến tù mù, khó phân định trong việc đánh giá. Và điểm cuối cùng của việc đầu tư công mang đặc trưng đặc thù nhất ở Việt Nam là vướng về sở hữu. Do sở hữu không rõ ràng nên rất khó quy trách nhiệm trong hiệu quả đầu tư công.

Dưới góc độ là Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh tế Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Quang Thái cũng thẳng thắn nhìn nhận: Mặc dù đã triển khai gần 3 năm, song đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch tổng thể tái cơ cấu đầu tư công. Ngân sách khó khăn, nhưng vốn đầu tư công vẫn chiếm gần 40% tổng đầu tư toàn xã hội, vừa giảm vẫn tăng, chứng tỏ có gì đó chưa ổn lắm. Bên cạnh đó, ý thức làm ăn hiệu quả là có vấn đề, tiền vốn 50% ngân sách cho địa phương, còn lại trung ương, nhưng đầu tư trung ương chỉ chiếm 30%, số còn lại gửi về địa phương thì địa phương sẽ quyết định sử dụng, có thể dùng tiền đó bố trí dự án khác. Cơ chế phân cấp theo kiểu khoán trắng cho địa phương một cách thiếu kiểm soát thế là không ổn.

Cũng theo gợi ý của Giáo sư Nguyễn Quang Thái, trong điều kiện thể chế đang thay đổi thì nên lựa chọn dự án đầu tư công theo tiêu chí hiệu quả hơn. Đầu tư cho vận tải thì hay, nhưng tiền rất tốn, trong khi vận tải đường thủy chưa được khai thác. Sân bay Long Thành thì đồng ý, nhưng 5 năm tới những công trình quan trọng quốc gia là gì, thì đáng ra phải trình một lúc để đưa vào cân đối ngân sách, không phải nhát gừng là nghĩ ra thì lại trình Quốc hội. Trên cơ sở đó, Giáo sư Nguyễn Quang Thái đề xuất: Cần cải cách thể chế đầu tư công theo hướng có khuôn khổ phát triển dài hạn và rộng hơn với  hệ thống pháp luật động bộ hơn

Thanh Hiệp
.
.
.