TP Hồ Chí Minh thí điểm mở phố hàng rong: Mô hình cần nhân rộng
Sáng 28-8, sau một thời gian chuẩn bị, phố hàng rong đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh được khai trương trên đường Nguyễn Văn Chiêm, phường Bến nghé, quận 1.
Với chiều dài hơn 40m, có 20 hộ kinh doanh, hoạt động trong 2 khung giờ (6h-9h và 11h đến 14h) bước đầu cho thấy nhiều điểm tích cực tại phố hàng rong.
Trong đó việc người lao động buôn thúng bán bưng có nơi tập trung buôn bán góp phần giảm việc lấn chiếm vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị, thực phẩm được kiểm tra, hàng quán sạch sẽ.
Với qui mô nhỏ này thì nhìn chung là đạt, tuy nhiên nếu nhìn rộng ra, việc chỉ có 2 phố hàng rong (Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp) thì chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Mặt tích cực của phố hàng rong đầu tiên trên đường Nguyễn Văn Chiêm vừa được đưa vào thử nghiệm là không gian đẹp, thoáng đảng, người buôn bán đủ chuẩn để kinh doanh (được tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ năng buôn bán), có nơi gởi xe cho khách muốn ăn tại chỗ.
Chị Lê Thị Thúy- một người bán hàng rong tại tuyến phố cho biết, trước đây chị bán ở khu vực Thảo Cầm Viên nay được lựa chọn về đây. Ngày đầu chỉ trong 2h đồng hồ chị Thúy đã bán hết hàng và buổi chiều được nghỉ.
“Trước đây bán lén lút bị phạt hoài nhưng vì mưu sinh, vì lo cho con cái mới phải bán. Nay được bán nơi sạch đẹp như vậy, lượng khách ổn định nên thấy khỏe hơn nhiều, có thời gian lo cho các con!”, chị Thúy cho biết.
Chị Hồng bán bánh cuốn, nhà ở đường Pasteur cho hay, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chồng là liệt sĩ, bản thân nuôi 2 con nên mọi chi tiêu trong gia đình trong chờ vào gánh bánh ướt phía trước nhà. Do lấn chiếm lề đường nên thường bị kiểm tra xử phạt. Được chọn vào bán trong phố hàng rong, không mất phí lại được cấp cho xe, dụng cụ mới, chị Hồng rất vui! “Bán chủ yếu vài tiếng kiếm tiền chợ nên ngày hôm nay bán như vậy cũng đủ “sở hụi” rồi!” –Chị Hồng nói.
Ngày 28-8, phố hàng rong được mở thí điểm trên đường Nguyễn Văn Chiêm |
Với chiều dài 40m, 20 gian hàng cho các hộ kinh doanh, hoạt động trong khung giờ (từ 6h đến 9h và từ 11h đến 14h) |
Phố hàng rong góp phần giảm việc lấn chiếm vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị, thực phẩm được kiểm tra, hàng quán sạch sẻ |
Nhiều người háo hức với phố hàng rong, nhưng theo ghi nhận, đa phần những người ghé phố hàng rong chủ yếu là nhân viên của các công ty, tòa nhà nằm trên đường này, khách vãng lai đến với phố hàng rong rất ít.
Bà Nguyễn Thị Tám (67 tuổi, bán nước ở phố hàng rong cho hay), cái nghề bán hàng rong được truyền từ đời cha mẹ bà cho đến bà giờ là con cái bà Tám. Cả gia đình chọn góc đường Nguyễn Văn Chiêm-Phạm Ngọc Thạch, quận 1 buôn bán hàng rong từ bao đời nay, thu nhập đủ 6 miệng ăn và nuôi thằng cháu học cấp 3. Từ lúc mở quán khai trương ở phố hàng rong, bà bán nước ngọt cũng được 300 ngàn buổi.
Hỏi bà nhiêu đây so với bán ngoài lề đường, thu nhập có cao hơn không, bà Hồng cho hay: “Thu nhập ngoài đường ngày đủ cho 6 miệng ăn, còn buôn bán trong phố hàng rong thì khả năng không đủ, chắc phải kiếm thêm! (?)”.
Theo như bà Tám kể, bà vào bán ở phố hàng rong nhưng con gái bà vẫn “bám trụ” vỉa hè để buôn bán. Bởi thời gian buôn bán ở phố hàng rong ngắn, không đủ thu nhập, thời gian rãnh rỗi kéo dài, rất khó có thể ngồi nhà giết thời gian chờ ngày hôm sau ra bán. “Tôi thì bán ở đây rồi, chiều nghỉ, còn con cháu thì vẫn bán ở vỉa hè”-Bà Tám nói.
Phương án đưa người bán hàng rong tập trung là hợp lý là tạo điều kiện cho người nghèo, những người bán hàng rong từ các tỉnh vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh trên vỉa hè hợp pháp. Điều này giúp người bán hàng rong có chỗ mưu sinh, vỉa hè không bị chiếm dụng, cảnh quan thoáng đảng, đẹp đẽ.
Khi chúng tôi hỏi số người bán tại phố hàng rong này họ cho biết đều là dân phường Bến Nghé, thuộc hộ nghèo, còn lại không thấy bóng dáng của những người bán hàng rong từ các tỉnh vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh.
Trong khi đó, vẫn có người bán hàng rong, lấn chiếm lề đường, đó đa phần là những người ở quê xa lên mưu sinh. Không đâu xa, chỉ cách phố hàng rong vài chục mét, trên đường Phạm Ngọc Thạch, phía trước và bên hông Nhà văn hóa Thanh niên chúng tôi ghi nhận có đến 3 gánh hàng rong, 4 xe đẩy bán hàng dạo lấn chiếm vỉa hè.
Với hình ảnh này, liệu phố hàng rong tại quận 1 nói riêng, và các phố hàng rong sau này sẽ hình thành liệu có đáp ứng đủ nhu cầu cho người “buôn thúng, bán bưng”?
Bên cạnh đó, vẫn còn hàng ngàn người mua bán trên các vỉa hè |
Mua bán trên vỉa hè cũng là cách mưu sinh hằng ngày của hàng ngàn người |
Việc mua bán trên vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị |
Cần phải có bài toán hợp lý giúp hàng ngàn người mua bán trên vỉa hè có được nơi ổn định để mua bán |
Việc thí điểm lập lại trật tự văn minh đô thị ở quận 1 có nhiều mặt tích cực nhưng nếu tính đường xa, sẽ khó duy trì, như việc thời gian buôn bán tại phố hàng rong quá ngắn thì thời gian rảnh chắc chắn họ tiếp tục buôn bán ngoài vỉa hè để mưu sinh.
Bởi vậy, khi thí điểm thành công phố hàng rong tại đường Nguyễn Văn Chiêm hay sau này là Công viên Bách Tùng Diệp, chính quyền cần tính toán để “đủ chỗ” đưa người bán hàng rong vào buôn bán tập trung, không chỉ là những người nghèo khó khăn sống tại địa phương mà ngay cả những người nhập cư, mưa sinh sống bám vỉa hè.
Có như vậy thì mới giải quyết được bài toán hàng rong chiếm dụng vỉa hè một cách thỏa đáng.