TP HCM: Xử lý nghiêm hành vi mua bán ngoại tệ trái phép

Thứ Sáu, 18/03/2011, 09:54
Đại tá Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết: Hiện trên địa bàn TP HCM có 649 điểm được các ngân hàng cấp phép làm đại lý thu đổi ngoại tệ. Thực hiện quy định quản lý thị trường giao dịch ngoại tệ, "dẹp" hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép trên thị trường tự do, chỉ trong thời gian ngắn Công an thành phố đã kiểm tra, phát hiện 75 vụ mua bán ngoại tệ trái phép.

Trong đó Công an thành phố đã ra quyết định xử phạt 67 vụ với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Đại tá Phan Anh Minh, mức phạt bình quân chỉ 57 triệu đồng/vụ vi phạm theo quy định hiện nay là khá nhẹ với các đối tượng này. Trong khi đó nhu cầu ngoại tệ phục vụ thanh khoản của một bộ phận người dân chưa đáp ứng kịp, thị trường ngoại tệ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ giao dịch ngầm.

Cũng theo Đại tá Phan Anh Minh, việc tổ chức bắt quả tang được một vụ mua bán ngoại tệ trái phép đã khó khăn, khi xử lý tạm giữ số ngoại tệ thu được cũng mất thời gian do lực lượng Công an phải tổ chức kiểm đếm, ghi sơri từng tờ… để sau đó trả lại chứ chưa được phép tịch thu. Vì vậy, để tăng cường răn đe, tới đây Công an thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp của thành phố để khởi tố hình sự hành vi "kinh doanh trái phép" khi bắt quả tang việc mua bán ngoại tệ "chui".

Niêm yết giá vàng, giá ngoại tệ tại một điểm thu đổi của ngân hàng.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước cho biết, mức xử phạt vi phạm về kinh doanh ngoại tệ nhẹ như hiện nay chưa đủ sức răn đe. Vì vậy Ngân hàng Nhà nước đã hoàn chỉnh dự thảo mức xử phạt mới đưa ra lấy ý kiến để sớm trình Chính phủ ban hành.

Trước mắt, nhằm tăng cường xử lý vi phạm trong kinh doanh ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp cùng Bộ Công an ban hành thông tư hướng dẫn mức xử phạt theo thẩm quyền. Ông Huy cho biết, chính sách quản lý thị trường giao dịch ngoại tệ vừa qua có thể gây ảnh hưởng đến một bộ phận người dân có nhu cầu thanh khoản bằng ngoại tệ.

Song sự hỗ trợ tích cực của lực lượng Công an đã đưa giá ngoại tệ trên thị trường "chợ đen" vào giá chính thức, giúp Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt thị trường giao dịch ngoại tệ, nhất là ở TP HCM và Hà Nội. Ngân hàng Nhà nước đã triển khai rà soát để có những biện pháp thích hợp đáp ứng nhu cầu mua ngoại tệ của người dân.

Tuy nhiên, ông Huy cũng cho rằng để có thể giải quyết căn cơ hiện tượng "đôla hóa" thì cần phải hạn chế tối đa đối tượng được vay ngoại tệ từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Về kinh doanh vàng miếng, trên địa bàn TP HCM hiện có trên 3.000 cửa hàng, doanh nghiệp và hộ gia đình đăng ký kinh doanh vàng bạc. Theo nhận xét của Đại tá Phan Anh Minh, trước thông tin Nhà nước sẽ thực hiện quy định quản lý thị trường mua bán vàng miếng, hoạt động mua bán vàng miếng vàng thỏi trên địa bàn lắng hẳn xuống và diễn biến theo chiều hướng thuận lợi.

Người dân đã không còn tính giá trị giao dịch bằng vàng miếng và coi đây là phương tiện thanh toán. Về việc này, Vụ trưởng Nguyễn Quang Huy tiếp tục khẳng định lại việc người dân nắm giữ vàng miếng với tư cách là tài sản để dành luôn được pháp luật bảo vệ.

Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện lộ trình kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng; tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do và ngăn chặn hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới. Ngân hàng Nhà nước đang tính toán việc thiết lập hệ thống đầu mối mua bán vàng miếng, niêm yết giá vàng lên xuống hằng ngày theo thị trường vàng quốc tế để phục vụ nhu cầu bán vàng miếng người dân đang tích trữ

Đức Thắng
.
.
.