TP HCM: Xây chợ tiền tỷ để… bỏ không

Thứ Ba, 06/02/2007, 09:30

Thời điểm năm hết Tết đến, lẽ ra chợ phải nhộn nhịp kẻ mua người bán, đằng này cảnh chợ vắng tanh. Đó là một thực tế buồn của nhiều khu chợ trên địa bàn quận 9, TP HCM.

Chúng tôi có mặt tại chợ Tân Phú (phường Tân Phú, quận 9) vào ngày đầu tuần qua, nhìn ngôi chợ bề thế là vậy nhưng tuyệt nhiên không có một bóng người mua bán.

Chợ Tân Phú được đầu tư xây dựng từ năm 2003 từ kế hoạch giải tỏa chợ cũ tại khu vực Trạm 2 để xây dựng công trình giao thông, số tiền xây chợ là 2,3 tỷ đồng, riêng tiền đền bù giải tỏa mặt bằng lên đến hàng chục tỷ đồng. Theo thiết kế, chợ có 380 sạp, mỗi tiểu thương muốn có sạp tại chợ phải đóng từ 5 đến 7 triệu đồng tùy theo sự bố trí thuận lợi của sạp.

Tháng 3/2006, chợ khai trương, hàng trăm tiểu thương và chính quyền địa phương hân hoan niềm vui. Một tháng sau thì tiểu thương thay nhau đóng cửa sạp. Một số thua lỗ phải mang nợ nần, nhiều người xót lòng quay lại chợ cũ lén lút buôn bán.

Ở quận 9, ngoài chợ Tân Phú còn có chợ Phú Hữu (phường Phú Hữu) có vốn đầu tư xây dựng hơn 1,6 tỷ đồng với quy mô 160 sạp hàng nhưng sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, cũng mới chỉ có 30 sạp có người đăng ký kinh doanh. Chợ Trường Thạnh (phường Trường Thạnh) khánh thành từ 2 năm nay, hiện tại hoạt động buôn bán chỉ một góc chợ.

Tại sao có những khu chợ đầu tư tiền tỷ lại không đáp ứng nhu cầu của người dân? Theo tiểu thương và người dân sống xung quanh thì nguyên nhân là do chính quyền địa phương tiến hành xây chợ cấp tập, thiếu khảo sát nên khi đưa vào hoạt động chợ lại phản tác dụng, gây lãng phí lớn.

Chẳng hạn như chợ Tân Phú được xây lên nhưng hệ thống đường giao thông vào chợ không được quan tâm, chợ như một ốc đảo nằm nơi hẻo lánh cách biệt với bên ngoài. Hướng mở cho khu chợ là con đường từ quốc lộ 1A vào, nhưng hiện nay con đường này mới chỉ là một lối mòn, bụi mù mịt nên không ai dám vào.

Chính quyền địa phương cần nhanh chóng khảo sát nguyên nhân và tiến hành khắc phục hạn chế để đưa những chợ nói trên đi vào hoạt động hiệu quả, giảm thiểu lãng phí

B.D.
.
.
.