TP HCM: Thất thoát nước tiền tỷ khiến giá tăng

Thứ Năm, 06/01/2011, 12:00
Dù trong năm 2010 TP HCM đã đưa thêm Nhà máy Nước Thủ Đức, được đầu tư bằng hình thức BOO vào khai thác, và việc này đã giúp hệ thống cấp nước của thành phố được bổ sung thêm nguồn khá lớn, tới 280 ngàn m3/ngày đêm.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ dân nội thành được dùng nước sạch trong năm so với mục tiêu thành phố đề ra vẫn không đạt trong khi giá nước tăng cao. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này chủ yếu do tỷ lệ thất thoát nước sạch trên địa bàn hiện còn quá cao.

Tới thời điểm cuối năm 2010, tỷ lệ hộ dân nội thành TP HCM được sử dụng nước sạch mới chỉ đạt 85%, và như vậy trong số 1,5 triệu hộ dân nội thành, hiện trên địa bàn vẫn còn tới 225.000 hộ dân chưa được dùng nước máy. Năm 2010, dù đã nỗ lực, nhưng tỷ lệ thất thoát nước sạch của thành phố cũng chỉ giảm được chưa đầy 1%, từ mức 41,19 xuống còn 40,32%.

Nước máy bẩn được xúc xả chảy tràn ra đường.

Với mức hao phí này, trong số 1,512 triệu m3 nước sạch thành phố sản xuất ra mỗi ngày, có tới  trên 609.000m3 nước sạch chảy… không có địa chỉ, cao gấp hơn 2 lần công suất của Nhà máy Nước Thủ Đức vừa đưa vào vận hành. Đây chính là nguyên nhân thành phố không hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch cho người dân nội thành sử dụng năm vừa qua.

Và khi đem lượng nước máy khổng lồ bị thất thoát này nhân với giá bán thấp nhất hiện nay là 4.000 đồng/m3, mỗi ngày số tiền bị dòng nước máy thất thoát cuốn mất hàng tỷ đồng. Không chỉ là chuyện người dân thành phố "khát" nước máy, chi phí sản xuất với số nước máy đã hao phí này chắc chắn sẽ được các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp tính vào giá tiền sản phẩm. Không ai khác hơn là chính những hộ dân đang được sử dụng nước sạch hàng ngày phải gánh chịu.

Quyết định tăng giá nước máy lên khoảng 48% vào ngày 1/3/2010 đã nói lên điều này: Mỗi người dân dùng 4m3 nước trong định mức giá tăng từ 2.700 đồng lên 4.000 đồng/m3; từ trên 4 - 6m3/tháng giá tăng từ 5.400 đồng lên 7.500 đồng/m3… với doanh nghiệp sử dụng nước máy cho sản xuất, giá còn cao hơn.

Hao phí nước máy tiếp tục ở mức quá cao này cũng giải thích vì sao giá nước máy cứ liên tục tăng lên trong lúc chi phí khấu hao máy móc, thiết bị sản xuất vận hành hệ thống cung cấp nước sạch ngày một giảm đi

Đức Thắng
.
.
.