TP HCM: Đa dạng thị trường bánh trung thu

Thứ Hai, 09/08/2010, 14:01
Thị trường bánh trung thu (BTT) năm nay đến sớm hơn mọi năm. So với mùa trung thu năm 2009, năm nay, các thương hiệu lớn sản xuất với sản lượng nhiều hơn, giá sản phẩm tăng khoảng 10% dù giá nguyên liệu tăng đến 20-30%. Tuy nhiên, đáng lo ngại là BTT của các cơ sở nhỏ sản xuất thủ công, hộ gia đình cũng đã đón đầu mùa vụ sớm, nhưng chất lượng của những sản phẩm này chưa thể quản lý được…

Mùa trung thu năm nay, Công ty Kinh Đô sẽ đưa ra thị trường với tổng sản lượng 1.900 tấn BTT (tăng 100 tấn so với năm 2009). Trong đó, dòng sản phẩm Trăng Vàng cao cấp (số lượng 240.000 hộp) sẽ có 8 bộ sản phẩm: Hồng phúc, Vinh hoa, Tinh tế, Hưng phú, Thanh tịnh, Thanh tú, Tao nhã và Hoàn bích, được chế biến từ thành phần nguyên liệu quý hiếm, bổ dưỡng như: bào ngư, hải sâm, vi cá, tôm càng... và các loại hạt (chế biến bánh chay) cũng là những đặc sản cao cấp như: quả hồ đào, Pumpkin seed, hạt Macadamia…

Đặc biệt, mỗi sản phẩm trên đều có ý nghĩa lời chúc khác nhau, có giá 350.000 - 720.000 đồng/hộp. Còn với dòng sản phẩm truyền thống, BTT Kinh Đô năm nay sản xuất theo hướng giảm ngọt, bổ sung chất xơ… với các sản phẩm chủ lực: vi cá Jambon, gà quay Jambon, Jambon bát bửu, đậu xanh, hạt sen, hạt sen trà xanh... giá 159.000 - 225.000 đồng/bánh (loại 4 trứng), 46.000 - 79.000 đồng/bánh (loại 2 trứng), 30.000 - 41.000 đồng/bánh (loại 1 trứng), 26.000 - 38.000 đồng/bánh dẻo và 33.000 - 59.000 đồng/bánh chay... 

Còn với thương hiệu Nhà hàng Đồng Khánh, sẽ có 2 dòng sản phẩm chủ lực được đưa ra thị trường gồm: Bánh dành cho người kiêng đường và bánh chay với tổng sản lượng tăng hơn 10% so với năm 2009 (trong đó, xuất khẩu khoảng 30%). Hiện, đã có nhiều nhà sản xuất BTT đã có kế hoạch đưa hàng ra thị trường, hầu hết đều có sản lượng và giá cả tăng khoảng 10% so với mùa trung thu năm 2009. Chỉ tính riêng thương hiệu BTT có tên "Đồng Khánh", tại thị trường TP HCM đã có hơn 10 thương hiệu như: Sài Gòn Đồng Khánh, Tân Bình Đồng Khánh, Bến Thành Đồng Khánh, Đồng Khánh Bông Lúa Vàng, Văn Lệ Đồng Khánh…

Theo ghi nhận của chúng tôi, so với mọi năm, thị trường BTT năm nay cũng được các công ty, cơ sở sản xuất cho khởi động sớm hơn mọi năm. Trong khi một số thương hiệu lớn chỉ mới bắt đầu thực hiện việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thì các cơ sở nhỏ, thủ công, đã nhanh chân hơn để đón đầu mùa vụ. Hiện, tại một số tuyến đường quận Tân Bình, Tân Phú… cũng đã lác đác một số gian hàng BTT của các cơ sở sản xuất thủ công. Tại một số chợ trên địa bàn TP, cũng đã xuất hiện vài sạp BTT giá rẻ. Như tại chợ Bình Tây (quận 6) loại bánh nướng (1-2 trứng) giá chỉ 12.000đ - 22.000đ/bánh, BTT nướng loại 120gr (không trứng) giá chỉ 5.000đ/bánh. Nhiều loại bánh nướng, bánh dẻo, trên bao bì không ghi ngày sản xuất.

Tại chợ An Đông (quận 5), cũng có một số sạp "chào hàng mẫu" được tiểu thương sản xuất tại nhà, nhưng sản phẩm của các "nhà sản xuất" này đều có chung một loại bao bì có ghi thành phần: đậu xanh, hạt sen, gà quay, vi cá… Một số sạp ở chợ Hòa Bình (quận 5) cũng chào bán BTT "trần" (không có bao bì). Theo người bán, nếu người mua đặt loại bánh này để làm quà tặng với số lượng lớn thì lò sản xuất sẽ đóng gói bao bì miễn phí. Tuy nhiên, trên bao bì những mẫu bánh trưng bày sẵn, chúng tôi nhận thấy cũng chỉ ghi chung chung loại bánh và thành phần chứ không có thông tin về cơ sở sản xuất, số công bố chất lượng…

Theo BS.Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam (văn phòng phía Nam), người tiêu dùng không nên mua BTT không rõ nguồn gốc vì nếu có sự cố xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm. Phần lớn những cơ sở sản xuất "chui" thường sử dụng nguyên liệu giá rẻ để có lời. Vì vậy, người tiêu dùng nên chọn mua BTT có nhãn mác, đầy đủ thông tin theo quy định, như: tên, địa chỉ đơn vị sản xuất; số công bố tiêu chuẩn chất lượng; ngày sản xuất, hạn sử dụng… Bao bì BTT phải còn nguyên vẹn, kín, không bị thủng, xì hơi và trong mỗi hộp bánh bắt buộc phải có gói hút ẩm

Thúy Hà
.
.
.