Sức mua vẫn chậm, một số mặt hàng đã tăng giá
Tăng giá hàng hóa sẽ ảnh hưởng tới sức tiêu thụ
Tại chợ Hôm, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Lan, tiểu thương kinh doanh hàng khô cho biết, đến thời điểm này sức mua vẫn còn chậm, nếu chi phí vận chuyển mà đội lên giá hàng hóa thì e rằng càng ế hơn. Mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát được cho là tiêu thụ chậm nhất trong thời gian qua. Còn tại chợ Bưởi, Hà Nội các mặt hàng được cho là tiêu thụ mạnh mọi năm như tôm, mực, thịt lợn thì nay cũng vẫn “giậm chân tại chỗ”. Tôm sú hiện đang đứng ở mức khá cao: 500 nghìn đồng/kg.
Rau xanh tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua. |
Theo tiểu thương ở chợ này là do chi phí vận chuyển tăng và thời tiết rét đậm đã đẩy giá thành tôm sú lên rất cao. Giá thịt lợn cũng tăng nhẹ do thịt hơi tăng từ 5.000 đến 6.000 đ/kg. Theo khảo sát của chúng tôi, trên thị trường hiện có một số mặt hàng Tết đang tăng giá mạnh là nấm hương và măng khô. Tại chợ hôm, 1 kg nấm hương loại ngon có giá 370.000 đ- 380.000 đ/1kg, tăng 70.000 đến 80.000 đ so với Tết năm ngoái. Măng khô giao động từ 200.000 đ đến 250.000 đ/kg (tùy loại), tăng 20-30%.
Còn tại hệ thống siêu thị thì theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, sức mua đang rất yếu. Ảnh hưởng của việc tăng giá xăng vừa qua có làm cho giá thành nhiều mặt hàng trong siêu thị tăng hay không? Ông Phú cho biết, các doanh nghiệp cung ứng hàng trong siêu thị có nói là sẽ tăng nhưng chưa biết khi nào. Ông Phú nhận địnhh: “Sức mua hiện nay đang rất chậm, một số siêu thị lớn cho rằng, giá các mặt hàng bán được bằng năm ngoái là may như mặt hàng chè, bánh kẹo…
Một số mặt hàng đã nhúc nhích tăng giá nhưng sức tiêu thụ còn chậm. |
Nếu các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa tăng giá bây giờ thì e rằng sẽ ế. Thế nên họ còn đang cân nhắc. Xăng dầu chiếm tới 40% giá thành vận chuyển, nếu tăng cước vận chuyển thì chắc giá thành một số mặt hàng cũng phải tăng. Ở thời điểm này mà tăng giá hàng hóa thì tôi e sức mua khó sẽ chậm. Còn nếu có tăng giá hàng hóa thì bao giờ siêu thị cũng có độ trễ từ 15-20 ngày so với thị trường tự do để còn giải quyết hết hàng tồn”.
Không tăng giá trực tiếp mà tăng vào sản phẩm
Theo ông Vũ Vinh Phú thì ảnh hưởng từ đợt tăng giá xăng này khiến một số doanh nghiệp không tăng giá trực tiếp mà tăng “tế nhị” lên sản phẩm. Chẳng hạn 1 gói bim bim trước đây có trọng lượng là 38g, giờ chỉ còn 35g; hoặc một chiếc cốc trước in nhiều hoa văn, nhưng giờ in ít đi; hay một bát phở trước đầy thì người bán sẽ đong vơi đi… “Tăng giá một cách tế nhị nhưng người tiêu dùng vẫn tưởng không tăng. Tỷ trọng hàng sẽ tăng giá là 10 thì kiểu tăng tế nhị chiếm khoảng 7%, còn lại là tăng giá trực tiếp” – ông Phú cho biết.
Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài Chính thì giá hàng hóa Tết Giáp Ngọ sẽ tăng khoảng 5%. Tại thị trường Hà Nội, ông Phú nhận định, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bánh kẹo Tết sẽ sôi động từ 23 tháng chạp và đỉnh điểm tăng giá sẽ rơi vào ngày 28 và 29 Tết, có thể tăng 50%, thậm chí một số mặt hàng tăng gấp đôi