Sữa ngoại loạn giá, loạn chất lượng

Thứ Sáu, 01/03/2013, 10:50
Trong khi sự việc “sữa dê” Danlait vẫn chưa đi tới cùng, chưa có kết quả công bố về sự minh bạch của doanh nghiệp cung cấp loại sữa này trên thị trường Việt Nam, người tiêu dùng lại tiếp tục bị tung hỏa mù bởi chất lượng và giá cả của các loại sữa ngoại nhập...

Hầu như các cửa hàng kinh doanh sữa nào cũng đều bán nhiều loại sữa bột dành cho trẻ em. Ngoài các sản phẩm sữa được nhập khẩu và phân phối qua các doanh nghiệp thương mại, nhiều người còn lùng sục tìm mua bằng được sữa được quảng cáo là hàng xách tay với suy nghĩ dòng sữa này sẽ tốt hơn sữa được nhập khẩu và đóng hộp tại Việt Nam. Tuy nhiên, chất lượng thực hư của sữa xách tay không ai kiểm chứng. Và giá cả cũng được bán “mỗi nơi một phách”.

Giá sữa “xách tay” ở Việt Nam rẻ hơn nước... sở tại

Trên diễn đàn lamchame.com, nhiều mẹ đã bày tỏ ý kiến không tin tưởng vào sữa xách tay: “Tớ cũng khuyến cáo các mẹ hay mua hàng xách tay luôn nhé. Các tiếp viên hàng không rất ngại xách sữa phần vì nặng và lỉnh kỉnh, mà phí lại thấp. Vậy lấy đâu ra mà nhiều sữa xách tay để bán thế. Như sữa Nutriben tớ mua tận nhà phân phối giá 435.000 đồng/hộp 800gr, vào hàng xách tay mua giá 510.000 đồng/hộp. Ngoài đại lý sữa thì bán 440.000 đồng/hộp. Trên hộp sữa có dịch tiếng Việt đặt trên nắp hộp. Bỏ tờ giấy này ra thì không phân biệt được đây là hàng nhập khẩu hay hàng xách tay nữa”, một thành viên chia sẻ.

Một bà mẹ khác cũng cho biết, vì có người nhà ở Đức nên đã nhờ mua sữa Aptamin gửi về. Tính theo giá tiền bên Đức cộng với phí vận chuyển về Việt Nam, môt hộp sữa nhãn hiệu Aptamin đã có giá 480.000 đồng/hộp. Nhưng trên thị trường Việt Nam, loại sữa này xách tay được bán rất rẻ với giá 455.000 đồng/hộp.

Thành viên có nick inbeohang cũng khẳng định: “Mình mạo muội cảnh báo các mẹ khi mua các thể loại sữa nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ từ các công ty không có tên tuổi mấy. Trước khi mua nên tìm hiểu kỹ loại sữa đó, bởi người bán toàn quảng cáo là sản xuất bởi tập đoàn abc hàng đầu châu Âu... nhưng thực tế không phải như vậy. Trước mình cũng dính vụ đăng ký nhận sữa miễn phí của một nhãn hiệu mới quảng cáo là nhập khẩu từ  Đức. Rất may mình có bà chị sống bên Đức, bà ý bảo hãng đó đã ngừng sản xuất và không còn bán tại Đức loại sữa đang được bán ở Việt Nam từ lâu rồi”.

Ảnh minh họa.

Một bạn đã từng đi công tác tại nhiều nước chia sẻ trên các diễn đàn, điển hình là các dòng sữa của Úc bao gồm: S26, Karicare và Nuture, kể cả sữa non Goodhealth. “Đây đều là các sữa mà chính bản thân chồng em và em xách về cho con. Các anh chị có thể kiểm tra giá của các sản phẩm này tại một số chuỗi cửa hàng thuốc hoặc siêu thị của Úc như chemistwarehouse, woolworths. Em nhớ chồng em đợt vừa rồi xách sữa Karicare với S26 về dịp Giáng sinh, có giảm giá mà tính ra là tầm 500.000 đồng/hộp nhưng về Việt Nam sữa này bán chỉ tầm hơn 500.000 đồng/hộp. Trong khi hộp sữa đó về Việt Nam còn phải cộng thêm biết bao nhiêu chi phí. Thêm nữa, thường ở một số nước, nhiều siêu thị giới hạn định mức mua sữa. Nhưng ở Việt Nam, sữa được quảng bá là xách tay người tiêu dùng cần bao nhiêu cũng được cung cấp đủ?!?".

Nghi án trốn thuế

Về những diễn biến mới nhất trong vụ “sữa dê Danlait”, trao đổi với PV Báo CAND chiều 27/2, ông Kiều Đình Cảnh – Phó Đội trưởng Đội QLTT Thanh Xuân cho biết vẫn chưa có kết quả kiểm định chất lượng mẫu các sản phẩm mà lực lượng QLTT đã tạm giữ. Việc dịch nhãn tiếng Pháp ra tiếng Việt để so sánh cũng đang được tiến hành. Về nghi án khai gian giá nhập khẩu (ở mức hơn 90.000 đồng/lon 400gr) để trốn thuế cũng chưa có diễn biến nào mới hơn.

Ông Kiều Đình Cảnh cho biết chưa thấy cơ quan quản lý nhà nước về giá liên hệ để xử lý việc này. Tuy nhiên, việc Công ty Mạnh Cầm gian lận thuế (làm giả chứng từ bán ra là 115.000 đồng/lon sữa, trong khi giá thanh toán thực với các đại lý là 350.000 đồng) là đã có cơ sở, không loại trừ cả việc làm giả chứng từ giá nhập.

Những sản phẩm sữa xịn được bán ở Mỹ, phụ huynh truyền nhau trên mạng xã hội để tham khảo.

Xung quanh câu chuyện giá sữa, bấy lâu nay vẫn lùm xùm chuyện DN ngoại thì tìm cách tăng giá để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, khiến người dân phải mua sữa với giá “trên trời”. Ngược lại với xu hướng đó, cũng lại có những nghi án ngược như trường hợp Mạnh Cầm, cố tình giảm giá để trốn thuế.

Người tiêu dùng đã nhờ luật sư để chuẩn bị khởi kiện Công ty Mạnh Cầm

Theo thông tin từ các phụ huynh có con nhỏ dùng sản phẩm “sữa dê Danlait” của Công ty Mạnh Cầm, họ đã nhờ luật sư hỗ trợ để làm sáng tỏ hành vi lừa đảo người tiêu dùng của Công ty Mạnh Cầm. Một điểm đáng chú ý là việc gửi đơn tố cáo để khởi kiện hình sự Công ty Mạnh Cầm không chỉ có các bố mẹ có con trực tiếp sử dụng sữa Danlait mà kể cả những người tiêu dùng cảm thấy bức xúc trước hành vi lừa đảo rõ ràng của Mạnh Cầm đều có thể tham gia. Đồng thời, các phụ huynh cũng đã tập trung các câu hỏi cần làm rõ để gửi lên Đại sứ quán Pháp, nhằm có được những thông tin đáng tin cậy về nguồn gốc của sản phẩm này...

Được biết, từ đầu năm 2013 đến nay, Phòng Thuế xuất nhập khẩu (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) đã thực hiện tham vấn giá đối với mặt hàng sữa nhập khẩu, tăng thu trên 1,2 tỉ đồng thuế từ 33 lô hàng sữa bột. Đây là số hàng của một doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khi nhập khẩu khai báo giá từ trên 7 USD/kg đến trên 10 USD/kg. Qua công tác tham vấn giá, Phòng Thuế xuất nhập khẩu đã bác bỏ trị giá khai báo của doanh nghiệp, tăng trị giá tính thuế đối với mỗi lô hàng từ gần 2 USD đến hơn 3 USD/kg, điều chỉnh tăng thuế đối với 33 lô hàng sửa trên 1,2 tỉ đồng.

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 27/2, ông Nguyễn Đình Nam – Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) cho biết: Việc áp thuế đối với 33 tờ khai này được thực hiện sau khi đã tham vấn giá của các DN khác nhập cùng một loại hàng và cả giá của chính DN trên nhập khẩu thời gian trước. Tuy nhiên, hiện DN này vẫn chưa chấp nhận mức thuế được áp với lý do giá nhập giảm và việc xác minh giá nào là chính xác là rất khó khăn.

Được biết, để có được các nguồn chính thống này cần có những thỏa thuận ở cấp độ vĩ mô, các Hiệp định song phương với các nước là nguồn nhập khẩu

Ngọc Yến – Vũ Hân
.
.
.