Chuyện người quản lý

Sử dụng tài sản nhà nước vẫn tràn lan, lãng phí

Thứ Tư, 29/07/2015, 09:57
Chiều 28/7, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về định hướng đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập. Nhiều vấn đề về thực trạng sử dụng tài sản nhà nước lãng phí, nghi ngại về tình trạng thiếu minh bạch trong đấu thầu cho thuê tài sản công… đã được đặt ra.

Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước (TSNN) hiện đang quản lý 4 loại TSNN có giá trị lớn, gồm: đất, nhà, ôtô, tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản, tính đến ngày 31/12/2014, tổng nguyên giá TSNN của cả nước là: 999.692,08 tỷ đồng (chưa bao gồm tài sản tại các đơn vị lực lương vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước).

Trong đó, 59.251 đơn vị sự nghiệp công lập hiện đang quản lý 304.810 tài sản (chiếm 63,82% tổng số lượng TSNN), với tổng nguyên giá là 690.590,36 tỷ đồng (chiếm 69,08% tổng giá trị TSNN). Cơ cấu TSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập (theo loại tài sản): tài sản là đất: 75.010 khuôn viên với tổng giá trị là 482.158,71 tỷ đồng (chiếm 69,82%). Tài sản là nhà: 196.855 cái với tổng nguyên giá là 165.610,73 tỷ đồng (chiếm 23,98%). Tài sản là xe ô tô: 15.651 xe với tổng nguyên giá là 7.752,34 tỷ đồng (chiếm 1,12%). Tài sản khác: 17.294 tài sản với tổng nguyên giá là 35.077,57 tỷ đồng (chiếm 5,08%).

Gần 70% tài sản nhà nước nằm trong đất đai.

Một thực tế đáng quan ngại đó là tình trạng lãng phí tài sản công hiện nay vẫn tràn lan. Trong các kỳ công bố báo cáo tài chính của mình, ngành kiểm toán năm nào cũng có những “gạch đầu dòng” nói về tình trạng sai phạm, lãng phí nhà, đất công, trong đó tình trạng để hoang hóa nhà đất diễn ra từ năm này qua năm khác.

Thông thường, theo quy định, khi để xảy ra tình trạng lãng phí, hoang hóa này, các cơ quan quản lý tài sản Nhà nước sẽ phải chịu hình thức phạt hành chính. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, hình thức phạt quá nhẹ nên phạt xong vẫn đâu vào đấy, và tình hình thực tế không có gì thay đổi.

Trả lời về vấn đề này, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho rằng, việc xử lý vi phạm là theo quy định của pháp luật, không thể “nặng tay” hơn quy định. “Sai phạm đến đâu, xử lý đến đó. Theo tôi, việc xử phạt không phải là quá nhẹ, và chế tài là tương đối rõ ràng, nhưng nhiều chỗ vẫn hoang hóa, lãng phí. Tuy nhiên, thời điểm vài năm trở lại đây đã khắc phục được nhiều so với trước. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra và sẽ có thông tin đến dư luận”, ông Thắng cho biết.

Lệ Thúy
.
.
.