Sự "bí ẩn" của 2.000m3 gỗ nhập khẩu

Thứ Sáu, 09/03/2007, 10:39
Liệu có tình trạng gỗ lậu trôi nổi ở phía Campuchia được DNTN Đông Dương ở Pleiku, Gia Lai hợp thức hóa bằng hình thức nhập khẩu, hay gỗ rừng phía nước ta bị khai thác trái phép để trà trộn nhập khẩu?

Bộ Thương mại cho phép doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Đông Dương ở Pleiku, Gia Lai được nhập khẩu 2.000m3 gỗ đã qua chế biến từ Campuchia về Việt Nam qua các cửa khẩu Lệ Thanh (đường 19), Bô nuê (đường 13), Bu Pờ răng (đường 14) và Vĩnh Xương - Thường Phước (sông Tiền).

Tuy nhiên, thực tế thực hiện đã có nhiều vấn đề nảy sinh và mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ việc nhập khẩu gỗ của DNTN Đông Dương qua địa bàn cửa khẩu Lệ Thanh (Đức Cơ, Gia Lai).

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong 2.000m3 gỗ được Bộ Thương mại cho phép DNTN Đông Dương được nhập từ Campuchia về Việt Nam có 1.500m3 gỗ nhóm 2. DNTN Đông Dương chỉ được nhận hàng trên phần lãnh thổ Việt Nam sau khi phía Campuchia đã hoàn tất thủ tục xuất khẩu do Nhà nước Campuchia quy định.

Nhưng trong đợt công tác đột xuất mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ việc nhập khẩu gỗ của DNTN Đông Dương qua địa bàn Gia Lai.

Ngày 8/3, trao đổi với PV Báo CAND, ông Phạm Hồng Thanh - Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum cho biết, căn cứ theo Luật Hải quan và các quy định về thủ tục giải quyết nhập khẩu gỗ mà ngành Hải quan áp dụng cho việc giải quyết nhập khẩu gỗ của DNTN Đông Dương là không sai, tuy nhiên về vấn đề an ninh chính trị thì cần phải xem xét thêm.

Bởi vì có thông tin phía Campuchia cho biết số gỗ nhập khẩu trên đã trốn trạm Hải quan phía Campuchia. Cũng từ tình hình trên, khi có thông tin chưa rõ ràng về nguồn gốc gỗ, phía Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum có văn bản xin ý kiến lãnh đạo cấp trên. Phía DNTN Đông Dương cũng có tờ trình gửi UBND tỉnh Gia Lai báo cáo tình hình nhập khẩu gỗ.

Ngày 30/11/2006, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức cuộc họp, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Gia Lai, Lê Việt Hường chủ trì và lãnh đạo các ban, ngành tham gia. Theo phía lãnh đạo Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum thì UBND tỉnh đã kết luận: "Việc nhập khẩu của doanh nghiệp không vi phạm pháp luật của Việt Nam nên cơ quan Hải quan giải quyết ngay thủ tục nhập khẩu để tránh thiệt hại doanh nghiệp"...

Tuy nhiên, sau khi Hải quan Gia Lai - Kon Tum giải quyết thủ tục hải quan cho DNTN Đông Dương nhập bán được khoảng 90m3 gỗ từ Campuchia, còn lại hơn 170m3 qua cửa khẩu 19 đã bị UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu tạm dừng để kiểm tra làm rõ.

Dư luận đặt ra câu hỏi, liệu có tình trạng gỗ lậu trôi nổi ở phía tỉnh bạn được hợp thức hóa trong vụ việc này, hay gỗ rừng phía nước ta bị khai thác trái phép để trà trộn nhập khẩu?

Vụ việc trên đang được cơ quan CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an tỉnh Gia Lai điều tra làm rõ, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc

Ngọc Như
.
.
.