Sông Lô đang bị “bức tử” vì cát tặc

Thứ Năm, 04/09/2014, 11:07
Khai thác cát sỏi sông Lô trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang gây rất nhiều bức xúc. Người dân mất đất do sạt lở nhưng chẳng biết kêu ai. Bên cạnh đó còn là tình trạng mất an ninh trật tự, ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân. Điều đáng nói là sự việc đã kéo dài khá lâu nhưng dường như chính quyền địa phương chưa có phương án chấn chỉnh quyết liệt.

Giữa trưa, có mặt trên sông Lô thuộc địa bàn khu vực thôn cây Si, xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương, cả một đoạn sông tiếng máy nổ vang trời. Đây thực sự là một đại công trường khai thác cát. Những chiếc tàu cuốc đang cày xới khắp mặt sông. Điều đáng nói nhất là có những chiếc tàu cuốc đang cắm thẳng vào chân bờ để khai thác, dường như phớt lờ mọi quy định về khai thác cát sỏi lòng sông. Hai bên bờ sông, nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng, tạo ra những bức vách dựng đứng.

Để tìm hiểu cụ thể sự việc, PV tiếp tục xuôi dòng xuống khu vực xã Đội Bình. Khu vực xã Đội Bình còn sạt lở nghiêm trọng hơn, có những đoạn dài hàng trăm mét. Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên theo phản ánh của người dân là do việc các doanh nghiệp khai thác cát sỏi ở đây không thực hiện theo đúng quy định, cho tàu vào khai thác cả chân bờ khiến bờ sông sạt lở, cuốn theo rất nhiều diện tích đất canh tác.

Tàu khai thác cát rất gần bờ thuộc khu vực thôn Cây Si, xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Bà Nguyễn Thị Luật, thôn Chiến Thắng, xã Đội Bình, bức xúc cho biết, khu vực bãi soi của nhà bà là của các cụ khai phá để lại cho con cháu, của hợp tác chỉ có một số rất nhỏ. Đất bãi soi nhà bà cũng được vài sào để trồng ngô nhưng từ năm ngoái đến năm nay sạt lở rất nhiều. Trước đây ở khu vực trạm bơm, diện tích đất soi này rất rộng. Từ ngoài đầu bờ nước vào trong chiều dài phải 20m nhưng đến nay sạt lở chỉ còn chưa đến 10m.

Bi đát hơn, gia đình anh Lê Văn Trúc, thôn Chiến Thắng, xã Đội Bình, hiện 2 vợ chồng và 2 đứa con nhỏ chỉ trông chờ vào chưa đến 1 sào ruộng và ít đất bãi. Kinh tế gia đình hiện đang rất khó khăn. Ngay cả cái nhà đang ở cũng là của anh vợ vì thương em khó khăn đã chuyển đi nơi khác để cho các em ở nhờ. Thế nhưng, hai năm trở lại đây khu vực đất bãi nhà anh bị sạt lở rất nhiều. “Đồng ý cho khai thác, nếu khai thác xa bờ thì chẳng ai nói gì cả, nhưng đâm thẳng tàu vào chân bờ khai thác làm sạt lở đất của người dân thì làm sao mà chấp nhận được. Dân chúng tôi bức xúc lắm nhưng chẳng biết làm thế nào”, anh Trúc cho hay.

Có một điều khó hiểu là cứ khi người dân ra đẩy đuổi tàu khai thác gần bờ thì chính quyền lại ra đuổi người dân về. Theo lời anh Trúc, thôn Chiến Thắng, xã Đội Bình thì ở khu vực này trước đây đã xảy ra hiện tượng này, gây thiệt hại đất cát, hoa màu của bà con nên người dân ra đẩy đuổi, các tàu khai thác đã đi ra phía ngoài, nhưng gần đây lại quay vào. Cứ mỗi lần ra đuổi là chủ tàu lại điện cho trưởng xóm ra đuổi người dân về, dọa nạt dân để dân phải về. Người dân không hiểu biết pháp luật nên sợ hãi. Dân đã từng chặt cả neo tàu dẫn đến lộn xộn cả Công an, rồi chính quyền xuống giải quyết nhưng sự việc vẫn chẳng đến đâu.

Bức xúc của người dân lên đến tột đỉnh, khi một sự việc đã xảy ra cách đây khoảng hơn 1 tháng. Anh Phạm Quang Tỉnh, thôn Chiến Thắng kể lại, hôm đó khoảng 5 rưỡi chiều đi làm về, anh cùng con trai ra sông đi tắm. Đợt này nước cạn nên ngày nào anh cũng cho thằng con học lớp 7 ra sông để tập bơi. Thằng con trai tập bơi xong, mệt quá nên quay lên bờ ngồi, trong lúc bố vẫn tắm dưới sông. Bỗng nhiên, có một chiếc thuyền đột nhiên từ phía ngoài xa đi vào bờ. Nghĩ là không có chuyện gì nên anh Tỉnh vẫn tiếp tục tắm. Đột nhiên, 4 thanh niên từ trên tàu cầm dao kiếm nhảy xuống đuổi một đứa trẻ khác cũng đang chơi ở khu vực này. Sau đó, chúng tiến lại cầm kiếm kề vào cổ con trai anh Tỉnh đe dọa. Không biết ban chiều có đứa trẻ nào ném tàu hay không nhưng thấy chúng hỏi chiều thằng nào ném tàu? Thằng con anh sợ quá nên cũng không dám nói gì. Lập tức, anh Tỉnh chạy về trong thôn gọi thêm một số người ra thì chúng nhảy lên tàu bỏ chạy.

Trao đổi với ông Trần Văn Khánh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Chiến Thắng, ông Khánh cho biết đã có ý kiến với UBND xã Đội Bình. Thôn cũng đã đề nghị để gửi ra xã làm báo cáo. Tuy nhiên, ông Khánh cho biết, trong báo cáo của xã ngày 13-5, thì không quy định tàu khai thác cát cách bờ bao nhiêu mét mà chỉ có cách trạm bơm 100m, vì thế cho nên không thể đuổi tàu khai thác được. “Chúng tôi đã có ý kiến nhưng thôn không có chức năng giải quyết. Còn việc bà con ném thuyền, việc nọ việc kia là tôi không cho làm. Có phải mỗi thôn này đâu, đây là tình trạng chung dọc sông Lô này”, ông Khánh thừa nhận.

Ông Khánh cũng cho biết, thôn đã đề nghị rất nhiều lên các cơ quan chức năng, kể cả với đoàn đại biểu Quốc hội. Tại sao với nhiều ý kiến đến các cơ quan chức năng như vậy, đồng thời sự việc đã diễn ra từ lâu mà đến nay vẫn chưa được giải quyết. Rõ ràng ở đây có nhiều vấn đề rất cần được tỉnh Tuyên Quang quyết liệt chỉ đạo làm rõ để giải quyết dứt điểm

Phan Hoạt
.
.
.