Sai phạm nghiêm trọng tại Công ty cổ phần dịch vụ XKLĐ và chuyên gia Thanh Hóa:

Sớm phải xử lý nghiêm

Thứ Hai, 08/07/2013, 15:53
Thanh tra tỉnh Thanh Hóa kết luận các sai phạm nghiêm trọng trong việc đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, vi phạm trong thu, chi tài chính của Công ty cổ phần Dịch vụ xuất khẩu lao động và Chuyên gia Thanh Hóa (DVLĐ &CG), kiến nghị UBND tỉnh, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) phối hợp xử lý nghiêm khắc.

Với nhiệm vụ làm dịch vụ tổ chức đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài, Công ty XKLĐ&CG trở thành điểm đến của nhiều lao động nghèo tại Thanh Hóa và một số tỉnh lân cận theo hợp đồng. Tuy nhiên, lợi dụng chức trách được giao, không ít người lao động đã bị công ty chiếm đoạt tiền với nhiều khoản thu trái quy định, đặc biệt đối với lao động tại các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ. Trước việc hàng loạt đơn thư tố cáo của người lao động gửi đến cơ quan chức năng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh vào cuộc, kết luận hàng loạt sai phạm và đề nghị xử lý nghiêm minh.

Theo kết luận Thanh tra tỉnh, từ năm 2010 đến hết 2012, công ty đã tổ chức đưa được 510 lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 345 lao động là người Thanh Hóa, 165 lao động người tỉnh khác. Qua thanh tra phát hiện, công ty hạch toán thiếu doanh thu và hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh không đúng quy định gây thua lỗ hơn 915 triệu đồng. Nguyên nhân do công ty không có phương án kinh doanh, doanh thu chủ yếu từ thu phí dịch vụ đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài nhưng tuyển lao động được ít trong khi vẫn chi cho hoạt động bộ máy. Một số quyết định đầu tư, doanh doanh do giám đốc quyết định chi phí lớn nhưng không hiệu quả như chi phí đi nước ngoài khai thác thị trường, chi thuê văn phòng làm việc...

Đáng chú ý, qua thanh tra phát hiện các sai phạm liên quan việc thu, chi tiền của người lao động, được lập lờ dưới các dạng "phí phương tiện". Công ty tự đặt ra thu "phí phương tiện" của 124 lao động đi làm việc tại nước ngoài trái với Thông tư số 21/2007 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Công văn số 3354 của Cục Quản lý lao động ngoài nước với số tiền hơn 74 triệu đồng (không đưa vào sổ sách kế toán theo dõi mà bằng sổ riêng). Số tiền này làm chi phí visa xuất cảnh, tiền ăn cho lao động ra sân bay một phần, còn lại chi theo lệnh của giám đốc không đúng nguyên tắc.

Thanh tra kết luận và kiến nghị xử lý nghiêm khắc sai phạm tại công ty.

Năm 2011, công ty thu tiền làm visa của 63 lao động thuộc huyện nghèo, trong khi đã được Nhà nước hỗ trợ theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo. Số tiền thu được của mỗi lao động tuy không lớn nhưng hành vi này có tính chất nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận bởi công ty đã cố tình làm trái quy định của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách nhân văn, hỗ trợ lao động các huyện nghèo. Lao động thuộc trường hợp này đều rất nghèo khó nhưng phải nộp theo yêu cầu công ty và nhiều người thậm chí không biết việc "lập lờ đánh lận" với các khoản trái quy định của Chính phủ như nêu trên.

Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cũng xác định, công ty đã lập hồ sơ đề nghị quyết toán tiền hỗ trợ trực tiếp cho người lao động không đúng thực tế (chẳng hạn như thực tế chi phí cho người lao động chỉ 308,7 triệu đồng nhưng công ty đã tự ý lập khống thêm 130,8 triệu đồng). Chỉ đạo thu tiền dịch vụ, phí môi giới của lao động cao hơn quy định nhưng không hạch toán hết vào sổ sách kế toán mà để ngoài chia nhau, thu tiền phí phương tiện của lao động để ngoài sổ sách kế toán. Từ năm 2010 - 2012, thu phí môi giới của 29 lao động đi làm việc tại Malaysia cao hơn so quy định của Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội.

Cụ thể, theo quy định, mức thu phí môi giới tối đa đối với lao động nữ là 250 đôla, lao động nam là 300 đôla nhưng công ty đã thu của lao động nữ tới 350 đôla, nam 400 đôla, có trường hợp thu 516 đôla. Các khoản thu nói trên được để ngoài sổ sách. Chánh Thanh tra tỉnh kết luận, trách nhiệm trong vấn đề này thuộc ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty. Trong 3 năm, công ty chi tiền tạo nguồn cho cán bộ công ty và cộng tác viên tuyển chọn lao động đi làm việc nước ngoài từ nguồn tiền phí dịch vụ người lao động với số tiền hơn 710 triệu đồng, tuy nhiên, số tiền này không được hạch toán vào doanh thu, chi phí, không đúng chế độ hạch toán kế toán.

Thanh tra cũng xác định các sai phạm khác liên quan việc chỉ đạo kế toán "ăn bớt" tiền đặt cọc của lao động, việc sử dụng kinh phí công ty đi tiêu xài nước ngoài sai nguyên tắc khiến cán bộ, nhân viên chậm lương.

Một số lao động huyện Như Xuân phản ánh năm 2010, 2011, người lao động được công ty đưa sang làm việc tại Malaysia, các lao động phải vay ngân hàng để chuyển nộp vào công ty 23 triệu đồng nhưng sau đó vẫn bị trừ 250 đôla. Về việc này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản giao Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, xác minh. Được biết, hiện Phòng PA83, Công an Thanh Hóa đang xác minh làm rõ vụ việc.

Thanh tra Thanh Hóa kết luận, trong 3 năm (2010-2012), Công ty XKLĐ&CG Thanh Hóa đã vi phạm các quy định về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, vi phạm trong hoạt động kinh doanh, thu chi tài chính (thu phí phương tiện, phí môi giới, phí visa, phí khai thác hợp đồng XKLĐ...); vi phạm trong tuyển dụng lao động, sắp xếp cán bộ... Với hàng loạt sai phạm nêu trên, Thanh tra tỉnh xác định, trách nhiệm chính thuộc Giám đốc Nguyễn Văn Minh, ngoài ra còn một số cá nhân liên quan khác. Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm.

Thanh tra kiến nghị SCIC với tư cách là cổ đông Nhà nước chiếm cổ phần chi phối, sớm phối hợp xử lý sai phạm tại công ty, tiến hành đại hội cổ đông và cử người đại diện vốn Nhà nước tại Công ty XKLĐ&CG theo quy định. Thanh tra đề nghị HĐQT kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc công ty; bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng Tài chính, tổng hợp và các cá nhân có liên quan.

Như vậy, sau nhiều năm công ty XKLĐ&CG khiến dư luận bức xúc, đơn thư khiếu nại, tố cáo của người lao động diễn biến phức tạp, các nội dung sai phạm đã được Thanh tra Thanh Hóa kết luận, làm rõ. Nhiệm vụ sau thanh tra cần phải được thực hiện sớm, nhất là trách nhiệm của SCIC với tư cách cổ đông Nhà nước chiếm cổ phần chi phối

Hoàng Minh Hà
.
.
.