Sóc Trăng: Áp lực môi trường ở vùng nuôi tôm thẻ chân trắng
Có nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình nuôi tôm của nông dân các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên yếu tố môi trường được ngành chuyên môn đánh giá là căn cơ nhất đối với vùng nuôi. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo cơ quan chức năng, các địa phương tập trung phát triển hạ tầng thủy lợi cho vùng nuôi, đảm bảo thông thoáng, giúp cho vụ nuôi tôm đạt hiệu quả cao nhất.
Vụ nuôi năm nay diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở Sóc Trăng hơn 24.000ha, trên diện tích thả nuôi 39.367ha. Tôm thẻ chân trắng tăng gấp 2,7 lần so với vụ nuôi trước, trong khi đó tôm sú chỉ chiếm 15.300ha. So sánh mức độ thiệt hại đến cuối tháng 7 vừa qua là 39%, nên sản lượng tôm chỉ mới đạt trên 31.000 tấn, tương đương 21% kế hoạch năm. Từ năm 2011, tình hình nuôi tôm gặp khó khăn, bà con chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng từ 5.600ha lên trên 24.000 ha trong năm nay. Giá tôm cao, người nuôi tôm thẻ chân trắng có khả năng thu hồi vốn cao, dù tôm nuôi bị thiệt hại ở giai đoạn từ 1,5 - 2 tháng thả nuôi.
Theo cơ quan chức năng, khả năng có thể thu hoạch trên toàn tỉnh chỉ tương đương 30% diện tích và khoảng 12% diện tích thiệt hại có thu hoạch. Phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng ở Sóc Trăng phát triển với tốc độ chóng mặt. Ngoài những vùng có điều kiện hạ tầng kỹ thuật, thì các vùng nuôi tự phát, không đảm bảo cũng phát triển “nóng”. Điển hình như huyện Long Phú vốn là địa phương chuyên trồng mía và lúa. Con tôm không nằm trong quy hoạch phát triển của huyện này. Tuy nhiên, trước sức “hấp dẫn” của con tôm thẻ, không chỉ các huyện khác trong tỉnh Sóc Trăng, mà các hộ dân trên địa bàn Long Phú cũng đào ao nuôi tôm. Chỉ có điều, người dân ở các huyện ven biển đào ao, lấy nước từ sông vào cải tạo, tăng độ mặn để nuôi tôm thì nông dân Long Phú lại lấy nước nuôi tôm thật “dị biệt”. Đó là khoan giếng để lấy nước mặn phục vụ nuôi tôm thẻ. Thậm chí, nhiều người còn lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng để khoan giếng vào ban đêm.
Theo ông Huỳnh Tấn Thanh, Trưởng Phòng TN&MT huyện Long Phú, thay vì khoan giếng để lấy nước ngọt sinh hoạt thì nhiều người dân trên địa bàn Long Phú lại khoan giếng nước mặn để nuôi tôm. Do lợi nhuận hấp dẫn, người dân đã chuyển đất nông nghiệp sang nuôi tôm thẻ. Đặc biệt, ngành chức năng huyện rất lúng túng trong việc xử lý những hộ dân bất chấp quy định trong việc khoan giếng để lấy nước mặn phục vụ nuôi tôm. Dù giấc mộng “đổi đời” với con tôm không đơn giản, nhưng việc phát triển con tôm mang tính “dị biệt” của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện thời gian qua là đáng báo động. Về lâu dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên nước, tầng nước bị xáo trộn, tầng đất mặt bị nhiễm mặn, việc thực hiện cơ cấu cây trồng vật nuôi sẽ càng khó khăn hơn…
Theo ông Đặng Hiền Đức, Chi cục Thú y Sóc Trăng, đối với việc nuôi tôm thẻ chân trắng thì phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật cao, như: điện, thủy lợi, cấp thoát nước… Với những điều kiện đó thì những vùng chưa có khả năng chuyển qua tôm thẻ, chúng ta sẽ gặp khó trong việc quản lý dịch bệnh và khó thành công”.
Còn ông Cao Anh Dũng, nông dân ở xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết, phong trào nuôi tôm thẻ phát triển tự phát với tốc độ quá nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng, thủy lợi, cấp thoát nước chưa đảm bảo. Những năm đầu nuôi được, còn hiện nay thành công không nhiều vì áp lực thức ăn, thuốc nuôi thâm canh quá mạnh nên không môi trường nào chịu cho nổi”. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng yếu tố môi trường được ngành chuyên môn đánh giá là căn cơ nhất đối với vùng nuôi, chiếm gần 50% diện tích nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh. Các xã Hòa Đông, Vĩnh Hiệp, phường Khánh Hòa, Vĩnh Phước là vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh trọng điểm của thị xã Vịnh Châu (Sóc Trăng), nhưng mức độ thiệt hại từ 40% - 70% theo từng thời điểm thả giống. Người dân thật sự khó khăn sau nhiều vụ thua lỗ liên tiếp. Hạ tầng thủy lợi không đảm bảo trước áp lực nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng mang tính bùng phát như những năm qua. Vì vậy, khả năng phục hồi vùng nuôi rất khó, trong khi các dự án xây dựng cấp thoát nước riêng biệt cho vùng nuôi trọng điểm chưa có điều kiện triển khai…
Việc bỏ mía sang nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Long Phú (Sóc Trăng) tạo ra áp lực rất lớn về môi trường do hạ tầng thủy lợi chưa đầy đủ. |
Ông Lê Thành Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đã triển khai và đang xây dựng hệ thống cấp thoát nước đặc biệt cho con tôm. Bên cạnh đó, có các dự án chúng ta đang tập trung để hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng cho vùng nuôi của tỉnh.
Theo nhận định của các ngành chức năng, thì nuôi thâm canh, bán thâm canh là yếu tố gây áp lực môi trường đối với một số vùng nuôi mà hệ thống thủy lợi chưa thông thoáng. Người nuôi cần điều chỉnh mật độ, áp dụng các biện pháp cải tạo môi trường từ ao nuôi đến vùng nuôi, có như vậy thì khả năng phục hồi vùng nuôi mới khả thi