Siết chặt kiểm tra rau quả Trung Quốc từ biên giới

Thứ Năm, 30/08/2012, 10:20
"Thông thường thì các chi cục kiểm dịch cửa khẩu như Lào Cai, Tân Thanh (Lạng Sơn) chỉ kiểm tra xác suất khoảng 10% khối lượng hàng nhập nhưng hiện nay do phát hiện có vi phạm nên phải tiến hành kiểm tra toàn bộ" - Ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nói về việc kiểm tra trái cây, nông sản Trung Quốc khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Trước hàng loạt thông tin về bắp cải, cải thảo, trái cây nhập từ Trung Quốc về có độc, hiện người tiêu dùng trong nước đang hoang mang trong việc lựa chọn thực phẩm tiêu dùng hàng ngày. Đáng nói hơn, sắp vào vụ đông và vụ giáp Tết, chính là mùa cao điểm của nhập khẩu trái cây và rau vụ đông. Hiện trên thị trường các loại trái cây, rau quả xuất xứ Trung Quốc chưa có dấu hiệu ít đi, có khác chăng là chúng được những người bán hàng khoác cho một “tấm áo” mới là hàng trong nước để qua mặt người tiêu dùng? 

Kết quả kiểm tra giá đỗ miền Bắc sẽ có trước 2/9

Sau khi đưa ra kết luận các cơ sở sản xuất ở TP Hồ Chí Minh sử dụng hóa chất là 6-benzylaminopurine và gibberelin A282 (nhập từ Trung Quốc) để làm giá ăn, Cục Bảo vệ thực vật đã mở rộng việc thu thập các mẫu giá ăn ở cả khu vực TP Hà Nội.

Người tiêu dùng đang lo lắng về chất lượng rau quả trên thị trường.

Trao đổi với PV ngày 29/8, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết Hà Nội là địa bàn tiêu thụ giá ăn rất lớn, đoàn kiểm tra đã thu thập 100 mẫu giá ăn ở nhiều cơ sở sản xuất khác nhau. Được biết, các hoạt chất như 6-benzylaminopurine và gibberelin A282 sử dụng trong giá ăn ở TP Hồ Chí Minh sẽ không độc hại nếu các cơ sở sử dụng ở liều lượng vừa phải. Tuy nhiên, cơ quan chức năng còn đang nghi ngờ các mẫu giá ăn ở Hà Nội còn sử dụng những loại hoạt chất khác nữa.

"Hiện nay, các mẫu thu thập đang được khẩn trương kiểm tra xét nghiệm. Trước ngày 2/9, sẽ có kết quả công bố rộng cho bà con để có thông tin chính xác" - ông Trung cho biết. Ngoài ra, ông Trung cũng cho biết thêm: Hiện các cơ sở vi phạm đã bị phát hiện ở TP Hồ Chí Minh không bị đình chỉ sản xuất mà chỉ bị xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, các hoạt chất như 6-benzylaminopurine đã được kiểm soát chặt chẽ, không để các cơ sở lạm dụng, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Riêng thông tin về cải thảo và bắp cải nhập khẩu từ Trung Quốc có nguy cơ gây ngộ độc, ông Trung cho rằng chưa có cơ sở để khẳng định. Được biết, hiện không phải là mùa cao điểm nhập các loại rau này mà phải vào tháng 1, tháng 2. "Sau khi có thông tin cải thảo, cải bắp gây chết người, chúng tôi đã cho anh em kiểm tra tại các đầu mối thì thấy rằng, tính từ đầu năm 2012 tới nay, lượng rau cải thảo nhập qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chỉ có khoảng 2.000 tấn, còn qua cửa khẩu Lào Cai là 7.000 tấn”.

Tuy vậy, Cục Bảo vệ thực vật cũng cho rằng do hiện rau xanh trong nước đảm bảo đủ cung – cầu, nên phần lớn các lô cải thảo nhập vào Việt Nam không phải dùng để tiêu thụ trong nước mà được sơ chế, bao gói rồi tái xuất sang các nước khác. Ông Trung cũng phủ nhận thông tin trong nước đã có 2 trường hợp tử vong do ăn bắp cải Trung Quốc.

Doanh nghiệp có “vết đen” sẽ bị kiểm tra 100% lô hàng nhập khẩu

Sau những tai tiếng về nhiễm độc, hiện tại các chợ rau quả Trung Quốc vẫn được bày bán tràn lan, tuy nhiên chúng được gắn một cái mác khác là “hàng nội”. Tại các chợ đầu mối như Long Biên, Dịch Vọng, hoạt động buôn bán các mặt hàng quen thuộc như trái cây, khoai tây, bắp cải, hành tây... vẫn diễn ra bình thường.

Qua trao đổi với PV, một số chủ sạp hàng cho biết họ vẫn lấy hàng từ các mối cũ. Tuy nhiên khi người bán lẻ đưa hàng về chợ thì các loại rau quả này sẽ có xuất xứ hoặc Đà Lạt, Bình Thuận, Tiền Giang... chứ không phải từ bên kia biên giới. Theo khảo sát của chúng tôi, tại nhiều tuyến phố như Lạc Long Quân, Mai Dịch, khu vực chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy), chợ Thành Công... kể cả lực lượng bán hàng rong lẫn các quầy hàng trái cây đều bày bán rất nhiều nho với lời quảng cáo là “nho Mỹ”, “nho Bình Thuận” với giá 30.000 – 40.000 đồng/kg, dù ai cũng biết xuất xứ của nó là từ chợ Long Biên. Nguồn hàng chính về chợ này chính là từ Trung Quốc.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Trung cho biết, sau khi phát hiện vụ nho và khoai tây có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo các đơn vị ở cửa khẩu phía Bắc siết chặt quản lý, tăng cường thu thập mẫu nhiều loại nông sản của tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu để phân tích dịch hại, cũng như kiểm tra dư lượng.

"Thông thường thì các chi cục kiểm dịch cửa khẩu như Lào Cai, Tân Thanh (Lạng Sơn) chỉ kiểm tra xác suất khoảng 10% khối lượng hàng nhập nhưng hiện nay do phát hiện có vi phạm nên phải tiến hành kiểm tra toàn bộ" - ông Trung cho biết. Ngoài ra, những công ty nhập trái cây, nông sản vào Việt Nam bị phát hiện có lô hàng nhiễm dịch hại, dư lượng vượt mức cho phép như vừa qua sẽ bị xếp vào nhóm "danh sách đen" và bị kiểm tra 100% lô hàng.

"Nếu như trước đây, các lô hàng nông sản nhập vào Việt Nam, trong khi được cơ quan chức năng thu thập mẫu để gửi về các trung tâm phân tích, kiểm nghiệm thành phần dư lượng, mặc dù chưa có kết quả chính thức nhưng vẫn được tạo điều kiện thông quan, thì nay nếu DN đã có lô hàng bị phát hiện có vi phạm thì những lô hàng nhập lần sau đó sẽ bị giữ lại, chờ có kết quả phân tích chính thức rồi mới cho phép thông quan hoặc không. Nếu DN sai phạm 3 lần sẽ bị buộc ngừng nhập khẩu".

Ông Trung cũng cho biết, các Chi cục Hải quan cửa khẩu đã buộc phải tái xuất trở lại Trung Quốc nhiều lô hàng sai phạm

Yến Hân
.
.
.