Siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải khách du lịch bằng tàu cao tốc ra Cát Bà

Chủ Nhật, 13/10/2013, 16:40
Từ nhiều năm nay, vùng đảo Cát Bà, huyện Cát Hải nổi lên là địa điểm du lịch rất hấp dẫn, lượng khách đi lại từ Hải Phòng ra đảo và ngược lại tăng nhanh theo từng năm. Tuy nhiên, do địa hình cách trở, dù có tuyến đường bộ chỉ 40 cây số nhưng có tới 2 bến phà biển nên lượng khách qua lại số lượng lớn vẫn lựa chọn bằng phương tiện tàu thủy.

Trong nhiều năm qua, một phần do chồng lấn trong công tác quản lý ATGT trên tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) và tuyến biển, phần khác do tính cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận chuyển khách thủy nên đã để lại quá nhiều bất cập trên các lĩnh vực quản lý cảng, bến lẫn kỹ thuật an toàn phương tiện. Đây chính là lý do khiến du khách đi lại trên tuyến này liên tục kêu ca phàn nàn về tình trạng tranh giành, nhồi nhét và ngược đãi hành khách. Nguy hiểm hơn, phương tiện hoạt động chủ yếu là tàu cao tốc cánh ngầm nhưng quá cũ nát, không bảo đảm an toàn, hiểm họa tai nạn trên sông biển luôn luôn ở mức nguy cấp.

Để giải quyết vấn nạn này, Sở GTVT thành phố Hải Phòng đã mở cuộc tổng kiểm tra rà soát, chấn chỉnh, xử lý triệt để các sai phạm nhằm nhanh chóng lập lại trật tự ATGT trên tuyến khách thủy rất quan trọng này.

Hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng tàu cao tốc ra Cát Bà đã được chấn chỉnh nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở GTVT chủ trì, tính đến hết tháng 9-2013 đã hoàn tất việc kiểm tra điều kiện hoạt động kinh doanh đối với 5 DN vận tải khách thủy nội địa bằng tàu cao tốc và 6 đơn vị quản lý hành chính quản lý, sử dụng và khai thác kinh doanh bến tàu khách trên địa bàn. Trên cơ sở đó đã cho ra những kết quả rất trực quan là, "sờ đâu sai đấy".

Cụ thể: Cả thành phố có 9 bến tàu thuộc 3 tuyến vận tải khách thủy gồm, Bến Bính (nội thành) - Cảng cá Cát Bà, Bến Bính - Cái Viềng (Cát Hải) và Đình Vũ (nội thành) - Bến Cái Viềng. Cơ số phương tiện cả 3 bến này gồm 22 tàu cao tốc với tổng số ghế đăng ký là 2.598 ghế. Trong đó, Công ty CPVT-DL Hải Phòng sở hữu 3 tàu cao tốc, trong đó có 2 tàu cánh ngầm; Công ty CPDL Cát Bà có 6 tàu cao tốc, trong đó có 2 tàu cánh ngầm, các DN còn lại sở hữu từ 3 - 5 tàu cao tốc nhưng không phải loại có kết cấu cánh ngầm.

Dù là nhiều tuyến bến khác nhau nhưng tất cả đều có chung một chặng hành trình từ nội thành ra thẳng đảo Cát Bà hoặc ra đến Cái Viềng sau đó chuyển tải bằng ôtô đến Cát Bà với tần suất 53 chuyến/ngày. Điều đó đã cho thấy sự căng kíp về luồng, bến và chuyến như thế nào đối với chặng hành trình chỉ hơn kém trong phạm vi 40 cây số.

Điểm sai phạm đầu tiên mà Đoàn kiểm tra phát hiện là đơn vị thiếu sổ sách, hồ sơ, tài liệu hướng dẫn sử dụng nguyên gốc đối với phương tiện tàu cao tốc hoặc cánh ngầm. Điều này được lý giải là do: Vì đó là tàu cũ mua lại từ nước ngoài hoặc chuyển nhượng nhau qua lại nhiều lần trong nước. Tiếp theo, nhiều DN vận tải chưa xây dựng phương án phòng ngừa tai nạn cho phương tiện,; chưa thực hiện niêm yết chất lượng dịch vụ tại các đầu bến hoặc trên chính phương tiện theo quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách. Cũng do phương tiện có nguồn gốc mua lại tàu cũ từ nước ngoài nên chất lượng không có gì để bảo đảm.

Về tổng thể thì trên tất cả các loại tàu cao tốc này đều chưa trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn phương tiện, cứu hộ cứu sinh.                        

Không chỉ phương tiện, ngay cả các bến, cảng đậu đỗ đón trả khách cũng đầy rẫy vấn đề sai sót, trong đó có những sai sót nghiêm trọng không thể tin rằng các bến đó lại do đơn vị nhà nước quản lý. Cụ thể: 2/9 bến không có hồ sơ liên quan đến việc sử dụng đất; 3/9 bến không xuất trình được sơ đồ vùng nước hoạt động; 6/9 bến chưa được xác nhận hoàn thành lắp đặt báo hiệu; 5/9 bến sử dụng phao nổi ponton làm cầu dẫn nhưng không có chứng nhận đạt chuẩn An toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường theo quy định. Đặc biệt, 100% các bến (9/9) không hề có phương án phòng cháy chữa cháy.

Trước tình hình này, được sự ủy quyền của UBND TP, Bộ GTVT, Sở GTVT Hải Phòng đã kiên quyết xử lý những sai phạm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành về ĐTNĐ, về ATGT đường thủy, về kỹ thuật an toàn phương tiện và nhất là sai phạm về phương án cứu nạn, cứu hộ, phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, theo kiến nghị của Đoàn kiểm tra, Sở GTVT đã ra quyết định đình chỉ hoạt động tàu cao tốc cánh ngầm Hoàng Yến Mêkong của Công ty CPVT-DL Hải Phòng do không đạt các yêu cầu về an toàn kỹ thuật phương tiện và vi phạm nhiều quy định quản lý khác. Nếu đơn vị chủ quản không nhanh chóng khắc phục những sai sót kể trên sẽ tước giấy phép hoạt động đối với tàu này.

Với những sai phạm khác, Sở yêu cầu chủ thể, đối tượng  phải cam kết bổ sung, khắc phục những thiếu sót, hạn chế, cam kết thời gian hoàn thành việc khắc phục để làm căn cứ truy xét việc xử lý nghiêm minh tiếp theo. Về mặt quản lý, Sở cho rằng thiết bị giám sát hành trình gắn trên tàu là loại chỉ phù hợp cho xe ôtô vì không thể xác định vật thể bên cạnh tàu trên môi trường sông nước. Do đó yêu cầu phải gắn thiết bị AIS, loại chuyên dùng cho tàu biển hợp chuẩn hàng hải. Được biết yêu cầu này đã được các DN đáp ứng ngay sau khi kết thúc đợt kiểm tra.

Ngày 10/10, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Hải Phòng cho biết, việc tổng kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh và xử lý trên lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng đường thủy tại Hải Phòng ngay lập tức đã có hiệu quả tích cực. Tất cả những vấn đề cần bổ khuyết, sửa sai hầu như đã được các DN, các đơn vị quản lý khắc phục. Phần còn lại là từ nay, công tác kiểm tra cần phải duy trì thường xuyên, quyết không để lập lại những bất cập trong thời gian qua

Lê Minh Triết
.
.
.